Tin tức

Đảng cầm quyền Thái trước nguy cơ giải thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Abhisit thắp hương khi đến một ngôi chùa ở Yangon hôm 11-10 trong chuyến thăm Myanmar. Ông đang đối diện với nhiều thử thách ở quê nhà
Hôm nay 18-10, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva phải ra điều trần trước Tòa án hiến pháp với tư cách nhân chứng trong nghi án Đảng Dân chủ cầm quyền tham nhũng, một cáo trạng có thể dẫn đến sự sụp đổ của đảng này.
Theo Bangkok Post, đây là phiên điều trần cuối cùng trong nghi án Đảng Dân chủ sử dụng sai mục đích 29 triệu baht (900.000 USD) từ Quỹ phát triển chính trị của Ủy ban bầu cử Thái Lan năm 2005. Ngoài ra, Tòa án hiến pháp cũng đang xem xét nghi án Đảng Dân chủ nhận bất hợp pháp 258 triệu baht (8,65 triệu USD) từ Tập đoàn ximăng TPI Polene Plc của doanh nhân- chính trị gia Prachai Leophairatana năm 2005.

Nếu Tòa án hiến pháp ra phán quyết Đảng Dân chủ có tội ở một trong hai vụ án trên thì Đảng Dân chủ sẽ bị giải thể theo luật pháp Thái Lan. Ít nhất 24 quan chức Đảng Dân chủ- từng giữ các chức vụ trong đảng các năm 2004 và 2005- sẽ bị cấm tham gia chính trường trong năm năm. Trong số này có Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Theo The Nation, hôm qua Đảng Puea Thai đối lập đã cáo buộc các nghị sĩ Đảng Dân chủ đang tổ chức vận động để Tòa án hiến pháp ra một phán quyết có lợi cho Đảng Dân chủ. Người phát ngôn Đảng Puea Thai khẳng định có trong tay bằng chứng băng video và băng ghi âm cảnh một nghị sĩ Dân chủ đang vận động một nhân vật có quan hệ gần gũi với một thẩm phán Tòa án hiến pháp. Ông Abhisit đã phủ nhận cáo buộc này.

Trong quá khứ, các quyết định của tòa án đã đóng vai trò quan trọng đối với nền chính trị Thái Lan. Đảng Thai Rak Thai, tiền thân đầu tiên của Đảng Puea Thai, bị giải thể năm 2007 và 111 nghị sĩ đảng này bị cấm tham gia hoạt động chính trị trong năm năm. Năm 2008, hai thủ tướng thuộc Đảng PPP, hậu thân của Thai Rak Thai, cũng bị lật đổ do các quyết định của tòa án.

Giới quan sát bình luận khó có khả năng những thế lực đứng đằng sau liên minh cầm quyền của ông Abhisit, bao gồm quân đội và nhóm áo vàng- đại diện cho tầng lớp quý tộc Bangkok, sẽ để cho Đảng Dân chủ sụp đổ.

“Chẳng có lý do gì khi tổ chức đảo chính quân sự để rồi cho phép đảng mà họ dựa vào bị giải thể - AFP dẫn lời cựu quan chức ngoại giao Thái Lan Pavin Chachavalpongpun- Kể cả trong trường hợp xấu nhất họ cũng đã có kế hoạch B”. Thời gian qua có nhiều tin đồn rằng các nghị sĩ Dân chủ đã đăng ký thành lập một đảng mới để dự phòng một khi Đảng Dân chủ bị giải thể.

Nhưng theo các chuyên gia, trong trường hợp này, do một số nghị sĩ sẽ bị đình chỉ, Đảng Dân chủ sẽ phải tìm kiếm liên minh với một số đảng nhỏ để duy trì quyền lực. Ngược lại, nếu Đảng Dân chủ sống sót sau phán quyết của Tòa án hiến pháp, nhiều khả năng lực lượng áo đỏ sẽ có những phản ứng quyết liệt và có thể các cuộc biểu tình lại diễn ra ồ ạt. Từ khi lên nắm quyền, Đảng Dân chủ vẫn thất bại trong việc lôi kéo sự ủng hộ của cử tri vùng nông thôn và người dân tầng lớp lao động.

Dù Tòa án hiến pháp Thái Lan có ra phán quyết thế nào chăng nữa thì nền chính trị và xã hội Thái Lan sẽ còn tiếp tục bấp bênh và chia rẽ sâu sắc trong một thời gian dài.
Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm