Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các địa phương trong cả nước đã rất quyết tâm, nỗ lực từng bước kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và đã lây lan khá nhanh ra một số tỉnh, thành phố khác.
Người dân đến tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP Hồ Chí Minh. |
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã và đang chung lòng, chung sức, vượt lên mọi khó khăn, thách đố, quyết tâm thực hiện mục tiêu dập tắt dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 9/7/2021. Việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với thành phố là một quyết định rất khó khăn, nhưng cần thiết và phù hợp trong bối cảnh diễn biến phức tạp và nhanh chóng của tình hình dịch bệnh. Đây là việc làm chưa có tiền lệ, do vậy cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, dần bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, không cầu toàn, không nóng vội. Điều đáng biểu dương là, trong thời gian qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, tạo tiền đề cho việc thực hiện có kết quả Chỉ thị 16.
Cùng với các biện pháp về khoanh vùng dịch bệnh, truy vết các đối tượng nhiễm SARS-CoV-2, thực hiện nghiêm việc cách ly, tăng cường các phương tiện, thiết bị cho ngành y tế để điều trị có hiệu quả người bị dương tính, thành phố rất quan tâm ban hành và thực hiện các chính sách xã hội, nhằm bảo đảm có hiệu quả việc thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa bảo đảm ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Tại kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố khóa X, đã thông qua việc xuất ngân sách hỗ trợ những người bị tác động bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 886 tỷ đồng. Trong số 230 nghìn người được hỗ trợ lần này là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ, lẻ trên đường phố, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; làm công tác tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe... phải tạm ngừng hoạt động. Mỗi người được hỗ trợ 50 nghìn đồng/ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Cách trợ giúp không chỉ là tiền mặt, mà còn là thực phẩm, đồ ăn, các suất ăn thiện nguyện, các cây gạo ATM... mà các tổ chức đoàn thể, như thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi... đã có nhiều sáng kiến tổ chức khá nhiều hình thức sinh động, như "quầy hàng thực phẩm miễn phí" trong khu cách ly, các "quán cơm không đồng", "quầy cháo thiện nguyện", v.v. Cho đến nay, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị đầy đủ dự trữ nguồn hàng đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân...
Tại cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với TP Hồ Chí Minh ngày 8/7/2021, Thủ tướng đã chỉ đạo rất cụ thể về việc khoanh vùng thật nhanh, thật gọn, giải quyết dứt điểm các ổ dịch lớn; bảo đảm giãn cách xã hội nhưng không gây ách tắc giao thông; xem lại toàn bộ quy trình mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng kịch bản ứng phó 50 nghìn ca nhiễm; bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa, không gây xáo trộn cuộc sống nhân dân; không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất... Nhiệm vụ tăng cường nguồn vaccine và triển khai tiêm trên diện rộng, là cơ sở quan trọng hàng đầu để dập dịch và tăng sức đề kháng với dịch dài lâu. Trong tháng 7, có gần 9 triệu liều vaccine về Việt Nam, sẽ ưu tiên cho thành phố và các vùng lân cận.
TP Hồ Chí Minh đã và đang nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ thiết thực của nhiều bộ, ban, ngành, địa phương trong cả nước. Thấm sâu quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "tất cả vì sức khỏe nhân dân và sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh", hãy dành tất cả những gì tốt nhất cho thành phố chống dịch; với truyền thống kiên cường, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, chúng ta vững tin thành phố sẽ vượt qua giai đoạn cam go, giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm một cách căn cơ, bài bản, đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Theo HỒNG VINH (NDĐT)