Dấu ấn nữ quyền ở phim điện ảnh Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Điện ảnh Việt trong những năm gần đây luôn có những tác phẩm mang đậm dấu ấn của nữ quyền. Nó thể hiện không chỉ ở người tạo ra các sản phẩm đó là nữ giới mà còn ý nghĩa cài cắm ở mỗi bộ phim.
 
Bộ phim “Cô gái từ quá khứ”. Ảnh: NSX
Bộ phim “Cô gái từ quá khứ”. Ảnh: NSX
Những bộ phim điển hình
Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” từng gây chú ý khi lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 70, phim thể hiện tính nữ quyền một cách mới mẻ và hiện đại. Ở đó, phụ nữ phấn đấu cho sự nghiệp, dám đấu tranh để đạt được điều mình muốn và tự mình tìm ra giá trị đích thực. Tinh thần phái đẹp được bao trùm toàn bộ mạch phim, điển hình là các nhân vật nữ lấn át cả nhân vật nam chính, những tấm poster, nhan đề bộ phim đều lấy phụ nữ làm trung tâm.
Thêm vào đó, việc khai thác chất liệu dân tộc thông qua những tà áo dài Việt Nam cũng là một yếu tố mang đậm tính nhân văn, tính dân tộc mà NSX Ngô Thanh Vân muốn nhắn gửi. 
Bộ phim “Tháng năm rực rỡ” lại hướng người phụ nữ được sống hết mình, khoe đúng bản ngã cá nhân trên màn ảnh. Phim xoay quanh Hiểu Phương (Hồng Ánh) - một phụ nữ trung niên có cuộc sống bình yên, sung túc. Tình cờ gặp lại Dung “đại ca” (Thanh Hằng) - người bạn cũ đang mắc ung thư thời kỳ cuối, Hiểu Phương quyết định thực hiện tâm nguyện của Dung, đi tìm những người bạn thân trong nhóm Ngựa Hoang đã bị thất lạc nhau từ 25 năm về trước.
Hành trình đó cũng là nơi mà nhóm bạn được sống lại với kí ức của tuổi trẻ. Nhóm Ngựa Hoang với 6 cô gái, sáu màu sắc cá tính riêng biệt vẫn tràn đầy đam mê và nhiệt huyết. Ở tuổi trung niên, nhóm bạn vẫn giữ được nét ngông của tuổi thanh xuân, vô tư thể hiện cá tính, cảm xúc và cùng nhau thực hiện những giấc mơ còn dang dở.
Với “Hai Phượng” - Ngô Thanh Vân đã phác họa hình ảnh một người mẹ rất khác. Một người mẹ yêu thương con, hết lòng vì con nhưng cũng vì con cô không ngại đứng trên chống trả với bọn bắt cóc. Hình ảnh Hai Phượng với những thế võ, với sự quyết tâm cứu con mình đã phần nào giúp khán giả đồng cảm. Phim xác lập một kỷ lục mới khi mang về doanh thu 200 tỉ đồng. Hai Phương cũng là tác phẩm được đại diện Việt Nam tranh giải “Phim quốc tế xuất sắc” tại Oscar 2020. 
Trong những phim nói về nữ quyền không thể thiếu series phim trăm tỉ “Gái già lắm chiêu”, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito đều thành công xây dựng được hình tượng nhân vật nữ hiện đại, tài giỏi và xinh đẹp. Nhìn chung, các nhân vật đều có khao khát, lý tưởng riêng và họ đều tranh đấu hết mình để đạt được mục đích.
Trong đó, đáng chú ý là “Gái già lắm chiêu 5” có sự tham gia diễn xuất của hai gương mặt gạo cội là NSND Lê Khanh, Hồng Vân và Kaity Nguyễn. Đằng sau những người phụ nữ quyền lực, giàu có với vẻ ngoài hào nhoáng như Lý Lệ Hà và Lý Lệ Hồng thì vẫn có những góc khuất tâm lý, khó khăn riêng mà họ phải gồng gánh mỗi ngày. 
Đặc biệt, bộ phim mới nhất đang công chiếu ngoài rạp “Cô gái từ quá khứ”. Tuy  phim tập trung khai thác những góc khuất trong giới showbiz nhưng không thể phủ nhận được sự mạnh mẽ, không từ bỏ trước một số phận nhiều ngang trái của nhân vật mà Ninh Dương Lan Ngọc đảm nhận. Dù bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, phải đi ở đợ... nhưng cô chưa bao giờ nghĩ đến cái chết mà luôn nỗ lực hết mình để bước ra khỏi vết đen đó. 
Giới làm phim nữ cũng đã... bước ra ánh sáng
Theo thống kê của các trường đào tạo nghệ thuật trên thế giới cho thấy, 50% số người theo học ở trường điện ảnh là phụ nữ nhưng sau khi ra trường chỉ có khoảng 10% đạo diễn nữ làm nghề đúng với chuyên ngành đào tạo. Số phim do phái nữ làm ra mỗi năm, kể cả ở những hãng phim lớn của Hollywood, cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Điều đó cho thấy số đạo diễn nữ làm nghề và có cơ hội làm phim chiếm số lượng rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do công việc đạo diễn điện ảnh đòi hỏi yêu cầu rất khắt khe mà phụ nữ khó có thể đáp ứng tốt so với cánh mày râu, như là về sức khỏe, sự dẻo dai...
Thời gian gần đây, phim ảnh Việt ngoài những phim mang thông điệp nữ quyền thì có không ít phim được tạo ra từ chính những đạo diện nữ. Họ cơ bản đã và đang tạo ra dấu ấn đáng kể và thành công như: Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Việt Trinh và Huỳnh Phúc Thanh Nhân...
Trong đó, đạo diễn, nhà sản xuất phim Hồng Ánh khởi đầu không mấy suôn sẻ với dự án phim “Đường đua”. Khi phim ra rạp, không tạo được sức hút và có doanh thu khiêm tốn. Những tưởng Hồng Ánh sẽ bỏ nghề đạo diễn và trở lại với thế mạnh của mình là một diễn viên, thì cô đã quyết tâm thực hiện thêm dự án khác. Đó là “Đảo của dân ngụ cư”- tác phẩm mang về cho cô nhiều thành tích. Bộ phim mang về cho Hồng Ánh đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN. Cũng tại liên hoan phim này, bộ phim đã chiến thắng ở 3 hạng mục: Phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Phạm Hồng Phước) và Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất (cho NSND Lý Thái Dũng).
Ngoài Hồng Ánh, những năm gần đây, có Đặng Thái Huyền, Nguyễn Hoàng Điệp... Thế hệ sau xuất hiện thêm những cái tên trẻ đầy triển vọng như Ngô Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Anh, Trương Ngọc Ánh, Lan Nguyên…
Cách đây không bao lâu, màn ảnh Việt chứng kiến một màu sắc mới là Lan Nguyên - một đạo diễn trẻ ghi dấu với bộ phim tài liệu đầu tay về nhạc sĩ Trần Tiến. Tuy chỉ là người tay ngang, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, cô và êkíp cũng mang đến một tác phẩn chỉn chu tạo được ấn tượng với khán giả. Còn riêng với Ngô Thanh Vân, cô dừng như đã tạo dựng tên tuổi không thua kém gì các đạo diễn nam. Nữ diễn viên từng sản xuất nhiều phim ăn khách và trong đó, dấu ấn nữ quyền luôn được cô đặt lên hàng đầu. Bộ phim “Thanh Sói” mà cô sản xuất sắp công chiếu cũng được cài cắm không ít thông điệp về nữ quyền trong đó.
Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân chia sẻ với Lao Động: “Nghề đạo diễn vốn dĩ đầy áp lực và khó khăn. Cùng một lúc bạn phải vừa là người dẫn đầu, vừa là người đi sau cùng. Quan trọng nhất là làm sao để hàng trăm con người đồng lòng thực hiện đúng ý đồ của bạn”.
Theo Ngọc Dủ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm