Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Đầu năm vãng cảnh chùa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hồi còn nhỏ, những ngày đầu năm, tôi thường theo bà nội vãng cảnh chùa. Từ mùng 4 đến rằm tháng Giêng, bà tôi với chiếc áo dài nâu, guốc mộc, đội nón lá dẫn tôi đi lễ chùa trong tiết trời se lạnh.

Chùa Phú Sơn quê tôi tọa lạc trên ngọn đồi như chiếc bát úp đầy cây trái sum suê, xung quanh là ruộng đồng xanh ngát. Trong suy nghĩ non nớt của tôi ngày ấy, chùa là nơi để bà con xóm làng quê tôi đến lễ Phật, du xuân.

Tôi thường ngắm nhìn các chú tiểu trong bộ đồ nâu sồng, trên đầu để 3 chỏm tóc, chạy đi chạy lại, làm đủ công việc lặt vặt của chùa. Có chú dọn quét sân, xách nước tưới cây, có chú loay hoay đặt hoa quả trên bàn thờ Phật ở chánh điện… Ai cũng nhanh nhẹn, chăm chỉ làm việc. Thi thoảng mới thấy vài vị sư mặc áo cà sa, dáng uy nghiêm đi qua lại, hỏi han phật tử.

Nội và tôi chen chân trong dòng người, leo từng bậc thang, lách qua cửa tam quan để vào chánh điện. Đến chùa, tôi được nội cho chơi tự do, còn bà đi lễ Phật, giao lưu với tăng ni, phật tử. Tôi được dịp theo đám bạn trẻ đi dạo vườn cây cảnh tươi tốt đủ sắc màu. Nơi nào cũng gắn biển với dòng chữ “Làm ơn không vặt cành, bẻ hoa” hay “Không vứt rác bừa bãi”… Các chú tiểu cũng thường xuyên qua lại, quan sát và nhắc nhở những bạn nào giẫm lên thảm cỏ, luống hoa.

Sau chùa, nhiều cây cổ thụ to mấy người ôm, chim chóc quy tụ về ríu rít vui đùa. Một số loài chim còn làm tổ, đẻ trứng, tha mồi về nuôi chim non… Loài chim dồng dộc là đông đúc hơn cả. Chúng làm tổ trên bụi tre, cây dừa. Những con dồng dộc chỉ lớn hơn chim sẻ đang tha những cọng rơm, cọng lá kiên trì xây tổ ấm. Nhiều tổ mới đan còn xanh với chiếc võng đu đưa. Đôi chim bay đi bay về cần mẫn như những chú thợ xây lành nghề đang hoàn thiện cho ngôi nhà hạnh phúc của mình…

Tôi say mê nhìn những tổ chim dồng dộc treo lủng lẳng như những dấu hỏi đầy ngọn tre và thầm thán phục tài năng trời phú cho loài chim nhỏ dễ thương ấy. Trên cây bồ đề rợp bóng, vài con sóc chạy nhảy tung tăng như những cậu bé tinh nghịch với đôi mắt láo liên. Chúng có vẻ quen với con người nên không còn sợ sệt mà còn quấn quýt, vẫy đuôi như muốn kết thân.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Khuôn viên chùa khá rộng, được quy hoạch bài bản, nơi trồng hoa, cây trái; nơi phân lô trồng rau, bầu bí… Nhà chùa như một đại gia đình, sạch sẽ và ngăn nắp. Bấy giờ, tôi thường nói với nội: “Ở chùa thích ghê nội nhỉ! Không khí mát mẻ, mùa nào cũng có hoa, chim thú đầy vườn; cây trái quanh năm ăn không hết… Hèn chi con thấy nội siêng đi chùa!”.

Nội nhìn tôi cười và giải thích: “Những ai có duyên theo Phật, xuất gia mới đến ở nhà chùa; họ phải tự lao động để sống và tu tập. Họ ăn chay trường, cuộc sống hài hòa, thân thiện với môi trường nên chim thú thường về đây trú ngụ mà không sợ bị săn bắn, xua đuổi”.

Sau này, khi lớn khôn, mỗi dịp đầu năm mới, tôi cũng giữ thói quen vãng cảnh chùa để tìm đến không gian thanh tịnh, có phút giây thư giãn trong môi trường gần gũi với thiên nhiên. Đây cũng là nếp quen của nhiều người.

Sau Tết cổ truyền, dân ta dù ở thành thị hay nông thôn, dù có theo đạo Phật hay không, đa phần đều thích đến các chùa vãng cảnh. Hầu như đa phần người dân thường tìm đến những ngôi chùa cổ kính, có không gian, kiến trúc đẹp như là tìm đến với văn hóa đặc thù của vùng miền, dân tộc.

Nhiều ngôi chùa cổ ở khắp nơi trên đất nước ta đã được Nhà nước xếp loại di tích quốc gia, không những nó có giá trị về văn hóa, lịch sử mà còn lưu trữ nhiều di vật, bảo vật giá trị của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau như: chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Thập Tháp (Bình Định)…

Khi vãng cảnh chùa, mỗi người không chỉ hiểu thêm nét đẹp cổ kính, thiêng liêng chốn thiền môn, ẩn chứa sự đa dạng văn hóa của dân tộc mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc, được hòa mình với thiên nhiên kỳ thú và tìm được sự cân bằng, thư thái của tâm hồn.

Có thể bạn quan tâm