Tết nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Biết nói thế nào cho đủ khi Tết trong tôi là cả một miền ký ức đượm thơm nỗi nhớ. Để mỗi khi nhớ Tết, tôi lại để xúc cảm đằm sâu trong hành trình của chuyến tàu trở về kỷ niệm.

Lòng đã dậy lên nỗi nhớ Tết tự bao giờ? Đã bao lần tôi tự hỏi như thế. Mà sao không nhớ cho được cơ chứ. Giá như có thể gói lại, bỏ vào trong chiếc lọ nhỏ, lâu lâu lại mở ra nhìn, để có đủ niềm vui đi trọn những tháng ngày. Tôi mường tượng lại bao Tết chốn này để nhớ một niềm xúc cảm hoài thương. Hoài niệm, thắc thỏm, trìu mến hay nôn nao, rạo rực, bằng hết thảy tình cảm có được như lửa dưới tro tàn được cơi ra, rồi thổi bùng lên, cháy những khát khao ấm nồng. Ắt hẳn với những người mà tâm trí đã đầy ắp hoài niệm thì nhớ thương Tết cũng chính là nhớ về một thời đã qua.

Tết quê. Ảnh: Khang Chu Long

Tết quê. Ảnh: Khang Chu Long

Ngày gia đình tôi mới vừa chân ướt chân ráo tới Pleiku, miền cao nguyên đất đỏ bazan này còn khá hoang sơ, vắng vẻ. Mùa khô, trời cao và trong, bụi đỏ mù mịt. Tôi nhớ Tết đến sớm lắm, là khi đầu tháng Chạp âm lịch, mẹ tôi đã bần thần tính toán chuyện Tết. Anh em chúng tôi với số tiền tự tiết kiệm được trong năm háo hức đi mua giấy màu để cắt tỉa làm hoa, làm những dây mành xúc xắc treo ở gian thờ và các khung cửa sổ. Để nhà cửa khang trang, tươi mới, chúng tôi còn tự trích thêm quỹ riêng đi chợ để mua các bức tranh ngũ quả, câu đối, tranh thủy mặc… về dán nơi phòng khách.

Cha tôi chu đáo lễ nghĩa, vẫn hay giao nhiệm vụ cho tôi đạp xe mang quà bánh để biếu họ hàng. Dù không đi qua đoạn đường Trần Phú (trước cổng chợ Lớn) nhưng tôi vẫn cố tình lách len vào chốn ấy. Bởi dẫu cộ xe tấp nập, nhưng nếu đi ngang đường này, tôi sẽ được ngắm nhìn hai bên vỉa hè người ta bày biện đồ Tết. Hoặc muốn ngắm hoa, tôi đạp xe len qua khu chợ hoa người ta trưng chậu mai chi chít nụ, bình đào hồng thắm hay những sạp hoa đủ sắc, bên mấy bông đồng tiền đơn mảnh mai, đỏ thắm, hay bông dơn vàng... tất cả tràn ngập sắc xuân.

Nhưng nói gì thì nói, Tết phải gắn vị của món ăn mới đủ ý nghĩa. Ngày Tết dứt khoát phải có bánh chưng, dưa hành (người miền Bắc) hoặc bánh tét, củ kiệu (người miền Nam). Tôi vẫn nhớ dáng vẻ cha tôi trên chiếc Honda 67 nổ phành phạch, chở về những thân cây muồng mục làm củi nấu bánh tét. Giữa tiết trời Pleiku thắm lạnh, mùi than củi từ cây muồng già xông vào mũi, lan mãi cả ký ức ấu thơ chẳng bao giờ nhạt phai. Nồi bánh tét càng lúc càng ấm nồng, thắp sáng cả vùng, lâu thì tạo thành những tảng than lớn đỏ rực, anh em tôi thường quây quần quanh nồi bánh để nướng mì, lùi khoai. Khi khoai chín, mì thơm cả bọn lấy ra, vừa thổi phù phù vừa bóc vỏ ăn thích thú.

Ký ức về Tết của tôi còn là hình ảnh về một cô bé nhỏ ngồi trên khung cửa sổ thơm mùi gỗ thông, nhìn ra con đường đất đỏ thông thốc gió. Khi mọi thứ cho Tết đã xong, tôi háo hức với quần áo đi dạo phố. Chuyện sắm sửa áo quần hồi ấy cũng là kỷ niệm khó quên. Năm đầu tiên tôi được ăn Tết Pleiku với 2 bộ đồ trắng đi học, bởi hồi ấy mẹ tôi sẵn kết hợp để mà qua năm mới, tiện quần áo ấy mà đến trường. Dẫu chẳng phải chiếc váy có nơ hồng mà tôi hằng ao ước, nhưng với tôi cũng đã đủ đầy, bởi được đón Tết mới là điều đáng mong đợi.

Ngoài món ăn truyền thống thì nét đặc trưng dịp Tết của người Pleiku ngày ấy là mời nhau chén trà thơm vừa hãm. Cha tôi thường mua dữ trự trà nhiều hơn ngày thường. Gói trà lớp vỏ màu xanh hiệu Bàu Cạn có hình ông già mặc áo dài xanh, đội khăn đóng cũng màu xanh đang nâng chén trà, được cha tôi xếp ngay ngắn trong hộc tủ. Nhẩn nha một miếng mứt gừng, cha nhấp ngụm trà đậm đặc, rồi đưa mắt nhìn ra sân, nơi cây mai đang khoe sắc vàng tươi. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết lịch sử của loại trà nức tiếng một thời ở Gia Lai và phổ biến ở nhiều tỉnh lúc ấy đã có tuổi đời hơn 100 năm, kể từ khi người Pháp mở đồn điền chè cho đến bây giờ thương hiệu trà này vẫn song hành cùng người Phố núi. Sau này có nhiều thương hiệu trà được bày bán ở Pleiku như danh trà Thịnh Phát nhưng vị trà Bàu Cạn mà cha tôi pha mỗi sớm mai, khi khách khứa gật gù thưởng thức thì không bao giờ quên trong tôi.

Nhớ về Tết là hướng về với nguồn cội trong mỗi nếp nhà, mà nguồn cội đó nào phải xa xôi, khó tìm. Nhớ Tết để lòng dậy lên những dịu mát ngát hương. Tôi yêu nếp nhà cũ vẫn tồn tại tự nhiên trong nhiều gia đình sống giữa Pleiku nhộn nhịp. Mấy ngày này, tôi thích loanh quanh đây đó để tận hưởng không khí Tết, vừa đi vừa ngắm phố. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, Tết đến để thấy một mùa xuân mong ước nữa lại thao thức cùng ta, để thấy cái tinh thần của Tết là điều gì đó đẹp đẽ, là giá trị thiêng liêng còn mãi. Chỉ thế thôi đã thấy mùa xuân thật hiền, thấy Tết Pleiku thật mến thương.

Có thể bạn quan tâm