Thời sự - Bình luận

Dạy gì cho các nhà báo tương lai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đào tạo báo chí truyền thông đang phải đối mặt với những biến động chưa từng có khi phải giải quyết thách thức kép: kỳ vọng mới của sinh viên về những gì nên và không nên dạy trong nhà trường, cũng như sự kết hợp giữa dạy học thuật và thực tế.

 

Sinh viên Viện Đào tạo báo chí - truyền thông (ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) trong giờ học thực hành môn truyền hình - Ảnh: H.L.
Sinh viên Viện Đào tạo báo chí - truyền thông (ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) trong giờ học thực hành môn truyền hình - Ảnh: H.L.



Bởi các trường học đang đào tạo các "nhà báo công dân" thành các "nhà báo chuyên nghiệp".

Đề thi không bao giờ quên

Tôi không bao giờ quên đề thi hết môn của khóa cao học về báo chí quốc tế năm 2007. Người ra đề và cũng là giảng viên môn viết báo - Peter Eng, lúc đó đang làm việc cho Hãng thông tấn AP. Đề thi hết môn khoảng 10 trang, gồm câu hỏi nhiều lựa chọn (multiple choice) và câu hỏi mở. Thực sự rất khó để vượt qua!

Peter cảnh báo từ đầu môn học rằng môn này cần nhiều nỗ lực. Bài thi về cách viết báo, nhưng chúng tôi phải nhớ rất nhiều nguyên tắc như thế nào là tin tức, cách tư duy về đề tài và nhiều dữ kiện liên quan tới hành xử, thậm chí phải tính tới cả tác động đối với công chúng. Nhiều điều từ đề thi này cứ mãi theo chúng tôi trong công việc giảng dạy, nghiên cứu cũng như các cuộc nói chuyện, diễn thuyết sau này.

Nhiều nhà báo và nhà giáo dục báo chí coi những thập kỷ trước là đỉnh cao của báo chí chuyên nghiệp bởi vì đó là thời đại mà nguồn lực dồi dào hỗ trợ các tổ chức tin tức và các tòa soạn mạnh mẽ. Các nhà báo và tòa soạn gần như độc quyền trong việc cung cấp tin tức hằng ngày.

Khi mà ai cũng có thể tự gọi mình là "nhà báo công dân" hay "tổng biên tập" trang của mình, logo của Facebook hay Google trở nên gần gũi với hơn nửa dân số trên toàn cầu thì nhu cầu đọc tin tức từ các phương tiện truyền thông đại chúng đã giảm nhiệt.

Ông Alan Rusbridger với kinh nghiệm 20 năm làm tổng biên tập của tờ báo uy tín The Guardian gần đây cảnh báo: "Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, chúng ta phải đối mặt với viễn cảnh xã hội sẽ tồn tại như thế nào nếu không có tin tức đáng tin cậy".

Thích ứng với sự thay đổi

Sự quan tâm dư luận và tranh luận đã chuyển sang phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Các bạn trẻ sinh sau năm 1995, thường được gắn liền với các biệt danh như "Người bản địa kỹ thuật số" (Digital natives), "Nhóm tuổi luôn trực tuyến" (Instantly online age group), "Những đứa trẻ dotcom" (Dotcom children), đã có một thời thơ ấu dài sống trên mạng xã hội và tiếp cận các thiết bị điện tử.

Việc nắm bắt công nghệ không còn cần nhiều thời gian khi bước chân vào trường đại học như trước đây.

Một giảng viên ở Đại học Boston (Mỹ) nói chuyện với một đồng nghiệp về cách dạy báo chí. Ông nhấn mạnh không phải các công nghệ mới mà là những giá trị truyền thống trong đưa tin mới làm cho một người trở thành một nhà báo giỏi, giúp nâng công việc của họ lên trên mức tầm thường.

Việc dạy một loạt các kỹ năng sẽ bị lỗi thời trong 5 năm không còn là điều ưu tiên ở các trường báo, mà chính là gây dựng cho họ cách suy nghĩ và tự dạy bản thân trong một thời gian dài.

Hôm nay tài khoản Twitter của ông Donald Trump có gần 75 triệu người theo dõi và New York Times có khoảng 4 triệu người trả tiền để đọc tin tức. Hai thế giới này vẫn đang song hành.

Điều đó chỉ cho thấy khi nào còn công chúng thì phương tiện đó vẫn luôn tồn tại và nhà báo vẫn luôn có trách nhiệm với nhóm công chúng của mình. Carl Bernstein từng nói: "Báo chí tốt nên thách thức mọi người, không chỉ vô tư giải trí cho họ". Mạng xã hội đang và sẽ làm vế thứ 2 tốt hơn.

Công nghệ có thể cùng lớn lên với chúng ta, nhưng có lẽ tư duy làm báo chuyên nghiệp thì vẫn cần "khởi thủy" từ trường học và được mài giũa ở các cơ quan báo chí.

Bài thi của tôi 13 năm về trước đều chạm đến đạo đức, trách nhiệm của nhà báo, dù phương tiện hay nền tảng nào; khả năng kiểm chứng thông tin, dù ở thời đại nào; và cả sự nhạy cảm với thông tin, dù ở dòng thời gian lịch sử nào.


 

Chiếc hộp không còn tồn tại

Giáo dục báo chí chỉ có thể tồn tại và thành công nếu nó trở nên tích cực hơn trong việc tìm kiếm sự thay đổi. Nó phải trở nên sáng tạo hơn nhiều so với trước đây. Đó không phải là vấn đề suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp, bởi vì chiếc hộp không còn tồn tại.




TS PHẠM HẢI CHUNG (Viện Đào tạo báo chí - truyền thông, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)

(Dẫn nguồn TTO)

Có thể bạn quan tâm