Thời sự - Bình luận

Dây hút ngược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Uy tín của y tế Việt, ngày càng tăng trong cách ứng phó với dịch bệnh toàn cầu.

 

 Li ZiChao- một trong hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm chủng virus Corona mới đã khỏi bệnh khi được chữa trị tại Việt Nam
Li ZiChao- một trong hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm chủng virus Corona mới đã khỏi bệnh khi được chữa trị tại Việt Nam



Rockhold, một cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam vào năm 1992 để làm việc trong một chương trình trợ giúp người tị nạn. Năm 2009, ông lập gia đình và thuyết phục mẹ rời Santa Maria ở California và đến Việt Nam sống. "Bà ấy đến vì đám cưới, và quyết định ở lại" cho tới khi bà qua đời, cũng ở Việt Nam vào năm 2015 ở tuổi 94" - Rockhold nói với Log Angeles Times.

Rockhold, sống chung với gia đình trong một căn hộ chung cư rộng 170m2 với 4 phòng ngủ, có hướng nhìn ra sông Sài Gòn.

Giá căn hộ khoảng 250.000 USD vào năm 2011. Chi phí hàng tháng “hiếm khi vượt quá 2.000 USD”, bao gồm cả việc thuê đầu bếp và lau dọn.

2 đứa con Rockhold, sinh ra bằng phương pháp đẻ mổ, bao gồm cả 4 ngày nằm viện, với chi phí tổng cộng hết 1.200 USD, rẻ hơn rất nhiều so với giá tương tự ở Mỹ.

Sự phát triển vượt bậc với “Mức sống khá và chi phí y tế khá rẻ” ở Việt Nam đã tạo ra điều mà LA Times gọi là “những câu chuyện mà không ai có thể tưởng tượng nổi trong quá khứ” khi những người già thuộc thế hệ boomer (sinh từ năm 1946 đến 1964) ở Mỹ đang có một lối sống gợi nhớ đến Florida, Nevada hay Arizona, nhưng là ở Việt Nam.

“Rẻ hơn rất nhiều” là bao nhiêu?

“Khoảng 3-4 lần”- bà H, một Việt kiều Mỹ trả lời một tờ báo hồi đầu 2019 khi bà trở về Việt Nam để thực hiện phẫu thuật.

2019 cũng là thời điểm Bộ trưởng Bộ Y tế, khi đó là bà Nguyễn Kim Tiến nói về một đề án “Dây hút ngược”, hoàn toàn tự tin với trình độ của các bác sĩ, với khả năng “làm chủ được nhiều công nghệ ngang tầm khu vực, thế giới”.

Người Việt đang chi tiêu 4 tỉ USD mỗi năm cho việc ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng ngược lại: 300.000 lượt người nước ngoài đến Việt Nam khám bệnh và 50.000 người điều trị nội trú.

Cách đặt vấn đề “dây hút ngược” suy cho cùng cũng là một nhiệm vụ của ngành y tế.

Trở lại với dịch Corona, có những con số rất khách quan như sau:

Virus vừa được nuôi cấy sau chỉ 72 giờ phân lập, một thành tựu đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước có thể nuôi cấy corona mới. Đã chữa trị thành công cho ít nhất 3 trường hợp dương tính. Và chỉ có 13 trường hợp nhiễm, 0 tử vong, trong khi số ca nhiễm virus toàn thế giới lên tới 37.552 với 813 trường hợp tử vong.

Những con số ấy vừa mang ý nghĩa thành tựu y học, vừa cho thấy các biện pháp mà Chính phủ áp dụng vừa trúng, vừa đúng, vừa hiệu quả. Và nếu xét trong giác độ y học, nó chính là một bảo chứng xuất sắc cho uy tín của y tế Việt, ngay cả trong cách ứng phó với dịch bệnh toàn cầu.

Có lẽ, đã đến lúc thực hiện đề án “dây hút ngược” của ngành y tế, thậm chí, cần một chiến lược để có thể biến Việt Nam trở thành một trung tâm du lịch sức khỏe và chữa bệnh, không chỉ vì 4 tỉ USD chảy máu mà còn vì “miếng bánh” 276 tỉ USD vào 2026 theo phân tích quy mô thị trường du lịch sức khỏe của Grand V. R.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/day-hut-nguoc-783343.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm