Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý 5 yêu cầu cụ thể cho ngành giáo dục nhằm nhấn mạnh công tác dạy làm người phải là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, thường xuyên, liên tục.
Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” dù xuất hiện từ lâu ở các trường học nhưng trong năm học này sẽ càng được chú trọng khi vừa mới đây đã có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong năm học mới 2019 - 2020.
Phó thủ tướng lưu ý 5 yêu cầu cụ thể cho ngành giáo dục nhằm nhấn mạnh công tác dạy làm người phải là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, thường xuyên, liên tục. Trong đó có những điểm đáng lưu ý như đẩy mạnh đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đội, Đoàn; tăng cường liên hệ với thực tiễn, các tấm gương người thật việc thật, nêu gương người tốt việc tốt. Cần rà soát các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn nhằm giảm bớt áp lực có tính hành chính cho nhà trường, giáo viên, học sinh đồng thời khắc phục bệnh thành tích, hình thức…
Những năm gần đây khi chứng kiến có nhiều lệch lạc về đạo đức trong học sinh, giáo viên và cả phụ huynh, xã hội đã dần nhận ra rằng những cái thuộc về bề nổi như thành tích thổi phồng, kết quả học tập cao chót vót... thời gian qua tuy được coi trọng nhưng lại không có giá trị vững bền và không khiến học sinh trở thành người có những phẩm chất cần thiết khi bước vào đời. Ngược lại, những giá trị cần thiết của một con người trưởng thành như đạo đức, tình yêu thương, sự tử tế, sáng tạo, khả năng phản biện, biết nêu chính kiến và những kỹ năng cần thiết khác lại thiếu vắng trong môi trường học đường.
Không phải ngẫu nhiên mà cuối năm học vừa qua, rất đông phụ huynh và nhiều nhà giáo dục đã đồng loạt lên án các lớp toàn học sinh giỏi hay những điểm 10 từng là niềm kiêu hãnh của học sinh. Vì hơn ai hết, họ biết rằng những thành tích này không phải lúc nào cũng thật. Và với những trải nghiệm thực tế của mình giờ đây, cha mẹ - thầy cô nhận ra rằng giá trị của một học sinh không phải chỉ là điểm số, kiến thức. Khi công nghệ đã làm thay đổi mọi thứ trong cuộc sống, kể cả giáo dục, người ta biết rằng nhà trường giờ đây không phải là nơi độc quyền để truyền đạt kiến thức. Điều mà học sinh cần ở nhà trường là dạy làm người trưởng thành để thích ứng với mọi đổi thay của cuộc sống.
Cũng chính vì mong chờ này mà một vài tuần trước, ai cũng vui mừng, hân hoan trước đề xuất của cô học sinh bước vào lớp 6 Nguyễn Nguyệt Linh về một mùa khai giảng không bóng bay để bảo vệ môi trường. Mọi người hy vọng đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sẽ có một thế hệ học sinh không còn thụ động chỉ biết vâng lời mà đã dám mạnh dạn trình bày chính kiến, tự do sáng tạo, yêu thương con người và thiên nhiên xung quanh. Cũng như vậy, với sự đồng thuận của lãnh đạo nhiều trường học, sự chia sẻ của lãnh đạo các bộ ngành trước đề nghị này, chúng ta cũng hy vọng sẽ có một môi trường giáo dục dân chủ và nhân văn hơn.
Chủ trương chú trọng vào dạy làm người thật sự là một tín hiệu vui cho những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà.
Nhiên An (thanhnien)