Tin tức

Dịch tả heo châu Phi không có khái niệm chữa trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với khả năng gây chết 100%, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) hiện không có vaccine và không có khái niệm chữa trị. Nếu lây nhiễm trên diện rộng dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến người chăn nuôi và thương mại quốc tế.
Cảnh báo này tiếp tục được nhắc nhở ở hội thảo chia sẻ thông tin về bệnh ASF tổ chức tại Chi cục Thú y Vùng 6 TP.HCM ngày 11.9.
ASF được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên ở Kenya năm 1921 và sau đó lây lan ra nhiều nước. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến nay đã có 12 quốc gia ở châu Âu, châu Phi và châu Á xuất hiện ổ dịch.
Dịch tả heo châu Phi hoành hành ở Trung Quốc. Ảnh: Agroday
Theo ông Nguyễn Văn Long,Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), tính đến hôm qua (10.9) đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo lây nhiễm bệnh.
Trung Quốc có 14 ổ dịch ở 6 tỉnh: Anh Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang. Bệnh đang tiếp tục lan xuống các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Theo ông Anan Lertwilai, Trung tâm Chẩn đoán và Cố vấn thú y Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, một nửa số lượng heo của thế giới nằm ở Trung Quốc. Theo số liệu của FAO năm 2016, Trung Quốc có khoảng 457 triệu con heo. Năm 2017, 52% đàn heo Trung Quốc vẫn còn ở quy mô trang trại nhỏ lẻ, nơi có khả năng phòng ngừa bệnh thấp
Dịch tả heo châu Phi gây bệnh trên mọi loại heo, mọi độ tuổi. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Nghịch lý là ở các quốc gia càng cởi mở, minh bạch thì thông tin về bùng phát ASF càng nhiều, gây ảnh hưởng nặng nề đến thương mại”, ông Anan nói.
Dịch bệnh lây lan sẽ gây mất cân bằng về giá heo giữa vùng có và không có dịch. Theo thông tin từ Chanel News Asia, trong tháng 8, giá heo ở tỉnh Liêu Ninh chỉ là 12,02 NDT/kg (1,76 USD). Trong khi đó ở phía Đông Nam tỉnh Chiết Giang (lúc chưa nhiễm bệnh), giá tăng vọt lên 17,74 NDT/kg (2,6 USD), tăng 23% kể từ đầu tháng 8.
Theo ông Anan, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của một bộ phận lớn người chăn nuôi và công nhân trong các nhà máy cám, nhà máy giết mổ và thức ăn gia súc. Nguồn cung thịt heo sẽ thiếu hụt dẫn đến giá thịt tăng cao gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Sau đó là ảnh hưởng nặng nề đến thương mại quốc tế. Giá trị mỗi năm lên đến 30,2 tỷ USD được giao dịch trên toàn cầu.
“Điều này thực sự đáng lo ngại với các quốc gia đang xuất khẩu thịt heo lớn trên thế giới như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Canada... nếu có dịch bệnh xảy ra”, ông Anan lo ngại.
Người dân trong nước đang lo lắng đối phó với dịch bệnh khi giá chăn nuôi trong nước vừa mới tạm ổn định. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Việt Nam phải kiên quyết không cho nguồn bệnh lây nhiễm vào trong nước. Vì không có thuốc đặc trị nên các tình thành phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi.
Người chăn nuôi và cán bộ thú y giám sát chặt đàn lợn tại địa phương, kịp thời phát hiện, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Tuân thủ các quy định về kiểm dịch, vận chuyển. “Bệnh này hiện không có khái niệm chữa trị nên khi phát hiện có bệnh là tiêu hủy ngay” - ông Đàm nói.
Đặc điểm của bệnh ASF
 Bệnh không tự lây lan phát tán nhanh so với vi rút lở mồm long móng, lợn tai xanh hay dịch tả cổ điển.
Bệnh lây lan do có yếu tố con người tác động như vận chuyển heo và sản phẩm heo lây nhiễm từ nơi này sang nơi khác
Có khả năng gây chết rất cao, 100%.
Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị
Giải pháp chính là ngăn chặn và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Bệnh không lây nhiễm và không lây bệnh ở người.
Theo khuyến cáo của OIE, nếu dịch bệnh xảy ra phải tiêu hủy; heo trong khu vực bán kính 3 km sẽ bị cấm vận chuyển buôn bán.
Nguyên Vỹ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm