Ngày 27-9, tòa án tối cao Thái Lan sẽ ra phán quyết về việc cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra có bị tuyên có tội thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo.
Tất nhiên, Yingluck không có mặt trong phiên tòa, bà đã trốn khỏi Thái Lan từ tháng trước và không có mặt trong phiên tuyên án ngày 25-8.
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. |
Trong phiên tòa ngày 27-9, The Nation cho biết ban đầu tòa định tuyên án vào lúc 9 giờ sáng nhưng sau đó hoãn lại. Quyết định này do 9 thẩm phán đưa ra, họ đã họp từ lúc 7 giờ để có được sự đồng thuận đối với bản án.
Kể từ khi thông tin bà bỏ trốn lan ra đến nay, Yingluck chưa hề công khai xuất hiện hoặc lên tiếng lại. Dù vậy, có tin đồn bà đã đoàn tụ với anh trai Thaksin tại Dubai. Thaksin cũng từng là thủ tướng và bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, ông hiện sống lưu vong ở đó.
Trước ngày tòa tuyên án, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nói rằng ông biết bà Yingluck đang ở đâu nhưng sẽ không tiết lộ cho đến khi bản án đã được tuyên. "Tôi có gián điệp", ông nói.
Nếu bị kết tội, bà Yingluck đối mặt với án tù 10 năm và khoản tiền phạt khoảng 20.000 baht (600 USD). Luật sư của Yingluck nói với AFP rằng ông không hề liên lạc được với thân chủ từ khi bà biến mất.
Các lãnh đạo của chính quyền quân sự Thái Lan, đối thủ của gia tộc Shinawatra, bác bỏ nghi ngờ cho rằng họ "bật đèn xanh" để bà chạy trốn nhằm tránh hỗn loạn nếu Yingluck phải đi tù trong khi lực lượng ủng hộ gia đình Shinawatra vẫn rất mạnh mẽ ở Thái Lan. Tuyên bố của chính quyền không dập tắt được các tin đồn này trong bối cảnh họ đã giám sát Yingluck ngày đêm.
Các nhà phân tích cho rằng Yingluck đã thỏa thuận với các lãnh đạo giới quân sự để đổi lấy tự do trong khi quân đội thì muốn quét sạch di sản và ảnh hưởng của nhà Shinawatra tại nước này.
"Bằng việc để Yingluck rời Thái Lan, giới quân sự loại bỏ được một cái gai tiềm ẩn, một người có thể trở thành vị thánh tử vì đạo nếu vào tù, còn nếu không vào tù, bà ấy có thể trở lại làm một chính trị gia đầy quyền lực", AFP dẫn lời Paul Chambers, một chuyên gia về chính trị Thái Lan.
Vụ xét xử Yingluck xoay quanh cáo buộc bà đã thiếu trách nhiệm và không ngăn chặn được nạn tham nhũng xảy ra đối với chương trình trợ giá gạo dành cho vùng nông thôn nghèo ở đông bắc Thái Lan, một khu vực ủng hộ mạnh mẽ gia đình Shinawatra. Chương trình đem lại uy tín cho Yingluck trong nông dân nhưng bị những người chỉ trích trong giới tinh hoa chính trị xem là một ván bài dân túy đắt đỏ của cựu thủ tướng.
Dòng họ Shinawatra thường xuyên chiến thắng trong cuộc đua giành lấy lá phiếu của cử tri nhưng lại liên tục bị lật đổ bởi các cuộc đảo chính và những phán quyết của tòa án do giới tinh hoa hậu thuẫn. Kết quả là những cuộc biểu tình bùng nổ giữa người ủng hộ các phe đối lập nhau.
Bất ổn chính trị tạm "tắt" dưới thời Thủ tướng Chan-ocha khi chính quyền này ban hành lệnh cấm biểu tình.
Trong bối cảnh cả bà Yingluck và anh trai Thanksin đều đã sống lưu vong, câu hỏi dấy lên là tương lai của "triều đại" chính trị họ gây dựng nên và phong trào dân chủ "áo đỏ" do những người ủng hộ nhà Shinawatra phát động.
Thitinan Pongsudhirak, một chuyên gia chính trị Đại học Chulalongkorn, nói rằng một bản án nặng nề dành cho Yingluck sẽ khiến tình hình chính trị nước này "nóng lên" nhưng khó mà gây ra một đợt bất ổn hay bạo động nào.
"Nếu bản án nặng nề và bị coi là bất công, nó sẽ khoét sâu thêm sự bất bình trong một bên của xã hội Thái Lan vốn đã phân cực", ông nói.
Phương Thảo/zing