Việc một trong những nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran bị ám sát gần đây, nhiều khả năng do Israel thực hiện, đã gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ, rằng chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden không thể nhượng bộ Iran.
Người biểu tình Iran đốt cờ Mỹ và Israel sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. |
Mohsen Fakhrizadeh, một trong những nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng nhất của Iran, bị ám sát ngày 27.11, khi đang di chuyển bằng xe hơi ở ngoại ô thủ đô Tehran. Dù được đội ngũ an ninh bảo vệ, ông Fakhrizadeh vẫn bị thương nặng và tử vong trên đường đến bệnh viện.
Dù không ai nhận trách nhiệm về vụ ám sát, Iran đã cáo buộc Israel đứng đằng sau vụ tấn công gây chết người này.
Phát biểu trên sóng truyền hình tháng 4.2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu đích danh Fakhrizadeh là nhân vật hàng đầu đứng sau chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran.
Iran luôn phủ nhận thông tin ông Fakhrizadeh liên quan đến các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Theo báo Nga RT, ông Fakhrizadeh từng là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Vật lý, nơi ông chủ trì dự án thiết kế và thu mua vật liệu để hỗ trợ nỗ lực làm giàu uranium của Iran.
Ở thời điểm trước khi qua đời, ông Fakhrizadeh là người đứng đầu Tổ chức Cải cách và Nghiên cứu (RIO) thuộc Bộ Quốc phòng Iran. Tháng 6.2020, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ ông Fakhrizadeh sử dụng RIO “để duy trì đội ngũ nhà khoa học phát triển vũ khí hạt nhân, sẵn sàng tiếp tục công việc ngay khi cần thiết”.
Ông Fakhrizadeh là nhà khoa học Iran duy nhất có tên trong “bản đánh giá cuối cùng” năm 2015 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Theo IAEA, ông Fakhrizadeh chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động “hỗ trợ phương diện quân sự cho chương trình hạt nhân”, là nhân vật chủ chốt trong chương trình phát triển công nghệ cần thiết cho bom nguyên tử.
Tháng 5.2019, một năm sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran tuyên bố tiếp tục làm giàu uranium. Điều này vô hình trung khiến ông Fakhrizadeh lọt vào tầm ngắm của Israel, theo RT.
Hiện trường vụ ám sát. |
Báo Nga cho biết, Iran sở hữu vũ khí hạt nhân tạo ra mối đe dọa thường trực với Israel. Trong quá khứ, Israel cũng thường có những động thái phủ đầu trước khi Iran thực sự đạt được năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong giai đoạn năm 2010-2012, Israel đã 4 lần ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran. Tình báo Israel cũng đứng sau loạt vụ nổ bí ẩn ở các cơ sở hạt nhân của Iran hồi đầu năm nay.
Mặc dù Israel không chính thức xác nhận đứng sau vụ tiêu diệt ông Fakhrizadeh, đây được coi là nỗ lực mới nhất nhằm gián tiếp cản trở Iran phát triển năng lực hạt nhân và cũng nhằm gửi thông điệp đến Mỹ, báo Nga RT phân tích.
Vụ ám sát ông Fakhrizadeh giúp Israel đạt được mục đích quan trọng. Đó là khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden gặp khó khăn hơn trong việc đàm phán với Iran. Tehran nhiều khả năng sẽ không chấp nhận với những điều khoản mà ông Biden và các cố vấn đặt ra để khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Iran cũng sẽ không tìm cách thỏa hiệp với Mỹ sau cái chết của ông Fakhrizadeh. Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei chỉ đạo các nhà khoa học Iran “tiếp tục các bước tiến khoa học kỹ thuật trên tất cả các phương diện mà ông Fakhrizadeh đang đảm nhận”.
Có thể nói, với việc ám sát ông Fakhrizadeh, Israel đã gửi thông điệp “dằn mặt” đến Tổng thống Mỹ đắc cử, rằng không thể nhượng bộ Iran trong vấn đề hạt nhân, thậm chí cần phát động một cuộc can thiệp quân sự.
Theo ĐĂNG NGUYỄN (RT/Dân Việt)