Thời sự - Bình luận

Đừng "bán lúa non"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong đời sống xã hội hôm nay, thuật ngữ "bán lúa non" không còn xa lạ.

 

Xuất phát từ thực tế đời sống nông dân ngày trước, chưa đến mùa gặt đã thiếu đói nên bán cho nhà giàu với giá rẻ mạt khi lúa còn đang trổ bông trên ruộng, nhằm có tiền có gạo để sống qua những ngày ngặt nghèo.

Ngày nay thuật ngữ này được sử dụng phổ biến, không chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ đối tượng (công nhân, người đầu tư), mà còn mở rộng ra cả doanh nghiệp (DN), ngành nghề. Chẳng hạn xuất khẩu nguyên liệu giá rẻ, rao bán dự án bất động sản khi chưa đủ các điều kiện… như là những cách làm ăn bóc ngắn cắn dài, ăn đong qua bữa… Nhưng với công nhân (CN), khái niệm "lúa non" gắn với việc bán lại cổ phần ưu đãi khi DN cổ phần hóa cho những người có lợi thế tài chính, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của CN để mua lại cổ phiếu với giá hời.


 

Bảo hiểm xã hội Bình Dương bị mạo danh
Bảo hiểm xã hội Bình Dương bị mạo danh



Gần đây lại rộ lên tình trạng một nhóm người lừa đảo, dụ dỗ CN "bán lúa non" quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH) của mình bằng cách lập trang Facebook mạo danh BHXH tỉnh Bình Dương để rao mua sổ BHXH với giá chỉ bằng 40%-50% giá trị thực tế quyền lợi người lao động (NLĐ) đang hưởng và buộc họ phải làm giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng chế độ. Ngay sau khi phát hiện sự việc, BHXH tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông cùng Công an tỉnh, đề nghị phối hợp vào cuộc điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, nhiều NLĐ bị mất việc làm hoặc nghỉ chờ việc, đời sống lâm vào khó khăn, nên những kẻ dã tâm đã bắt chẹt NLĐ để trục lợi bất chính. Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Dương, mức thiệt hại của NLĐ phụ thuộc vào quá trình đóng BHXH dài hay ngắn, tiền lương cao hay thấp. Khi bán sổ BHXH cho những người thu gom, trước mắt NLĐ sẽ bị ép giá, số tiền nhận được thấp hơn số tiền mà cơ quan BHXH chi trả. Toàn bộ quá trình đóng BHXH cũng sẽ bị mất. Hết dịch Covid-19, NLĐ đi làm trở lại sẽ phải tham gia BHXH lại từ đầu, ảnh hưởng đến quá trình nhận lương hưu sau này.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, Báo Người Lao Động đã lên tiếng quyết liệt về vụ việc này. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ BHXH, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi.

Chỉ thị của Phó Thủ tướng là hết sức kịp thời, để ngăn chặn, xử tận gốc và rà soát lại chặt chẽ quy trình của hệ thống BHXH. Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ điều tra, xử lý những kẻ lợi dụng tình thế khó nghèo của NLĐ mà kiếm chác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bất nhân bất nghĩa, phải xử lý nghiêm khắc để răn đe.

Về phía NLĐ, cần hiểu sổ BHXH ghi nhận quá trình tham gia BHXH, là quyền lợi BHXH thiết thân của mình, để giữ gìn, không nghe lời dụ dỗ, sang nhượng làm mất đi quyền lợi của mình, nhất là sau quá trình dài làm việc mà thời gian đóng BHXH lại quá ngắn. Lúc đó, tuổi trẻ cũng không còn, sức lực đã hao mòn, không có lương hưu, nếu có trợ cấp thì cũng ít ỏi, thua thiệt mọi bề.

Theo QUÝ LỘC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm