Trong đại dịch, phải cùng nhau vượt qua khó khăn, bằng nỗ lực từng cá nhân, đơn vị, cũng như sự tiếp sức, hỗ trợ kịp thời của cơ quan hữu trách. Những vướng mắc phát sinh phải được tích cực tháo gỡ nhằm đem lại sự thông suốt trong thực thi.
Có thể thấy hệ thống văn bản chỉ đạo liên quan đều yêu cầu không để công việc bị đình trệ, đặc biệt là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật và các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).
Nhưng trong thực tế vẫn có những việc triển khai không suôn sẻ, thậm chí bị ách tắc. Chẳng hạn thực hiện hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng (gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng). Theo quyết định này, mỗi NLĐ trong diện trên được hỗ trợ 3,71 triệu đồng. Trước một số vướng mắc về thủ tục, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tháo gỡ bằng công văn về hợp thức hóa sự thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động. Do nhiều NLĐ đã về quê và tuân thủ giãn cách xã hội nên chưa thể hoàn tất các yêu cầu chứng thực. Tại TP HCM, một số nơi DN đã hoàn tất thủ tục thì vẫn chưa chi được khoản tiền hỗ trợ này do chưa có ủy quyền của UBND TP HCM về việc ra quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, thực hiện chi trả đối với UBND quận, huyện.
Cả nước đang thực hiện mục tiêu kép, chống dịch Covid-19 và nỗ lực duy trì đà phát triển kinh tế, hỗ trợ DN sản xuất - kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Thời gian qua, liên tiếp các hiệp hội ngành nghề, các DN lên tiếng về việc hàng hóa bị ách tắc, không lưu thông được trong tình hình cấp bách. Tại cuộc họp trực tuyến ngày 25-8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị TP Cần Thơ ngưng ngay việc yêu cầu tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay theo phản ánh của DN, dù xe và người điều khiển đều đủ điều kiện phòng chống dịch nhưng cũng không đi qua được tại Nghệ An, Hà Tĩnh và yêu cầu phải có giấy của Sở Giao thông Vận tải. Việc này cũng là thêm giấy phép trong lưu thông hàng hóa...
Có thể hiểu các tỉnh, thành cũng đang căng mình chống dịch, không muốn lơ là để tạo ra lỗ hổng trong quản lý khiến cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn. Song nếu quản lý một cách cứng nhắc, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì cũng phải xem lại, điều chỉnh cho phù hợp. Chuyện vướng mắc lưu thông hàng hóa đã nóng lên suốt nhiều tháng qua, được tháo gỡ từng phần rồi thỉnh thoảng lại rộ lên, cho thấy nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình trạng này sẽ khó chấm dứt, DN sẽ tiếp tục kêu. Mỗi địa phương cứ dựa vào tình hình đặc thù để đặt ra quy định riêng thì trên thông dưới tắc là chuyện tất nhiên, còn thiệt hại cho DN và cả nền kinh tế thì dường như trách nhiệm xa vời.
Lúc này cần nhất là hãy xúm tay vào làm, cùng nhau gỡ khó, không để NLĐ mòn mỏi chờ hỗ trợ và DN bất lực nhìn hàng nằm đường, giao thương ngưng trệ.
Theo VIỆT QUÝ (NLĐO)