Dunkirk - kiệt tác phim chiến tranh của Christopher Nolan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Dunkirk" (tựa Việt là Cuộc di tản Dunkirk) là bộ phim điện ảnh đầu tay của Harry Styles - cựu ngôi sao nhóm nhạc đình đám One Direction.

 (Nguồn: imdb.com)
(Nguồn: imdb.com)



Bộ phim trị giá 150 triệu USD này còn có sự góp mặt của những ngôi sao từng giành Oscar diễn xuất (Mark Rylance) hay từng được đề cử Oscar (Tom Hardy, Kenneth Branagh).

Với một dự án phim thông thường, những cái tên kể trên sẽ là thỏi nam châm thu hút sự chú ý của khán giả. Song với "Dunkirk," tâm điểm là đạo diễn Christopher Nolan - người đứng sau thành công của ba phần "The Dark Knight" hay những tuyệt phẩm như "Memento," "The Prestige" hay "Inception."

"Dunkirk" chứng minh cho tất cả thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà cái tên Christopher Nolan lên là thương hiệu bảo đảm cho chất lượng mọi bộ phim ở mức từ hay tới xuất sắc.


 

 (Nguồn: imdb.com)
(Nguồn: imdb.com)



Tái hiện "phép nhiệm màu Dunkirk"

Sau khi thể hiện tài năng với các bộ phim hình sự, khoa học viễn tưởng hay siêu anh hùng, Nolan chuyển hướng sang dòng phim chiến tranh.

Ông chọn việc tái hiện chiến dịch Dynamo hay còn gọi là "phép nhiệm màu Dunkirk."

Vào cuối tháng 5/1940, hàng trăm ngàn quân Anh và Pháp bị mắc kẹt trên bãi biển Dunkirk (Dunkerque) của Pháp. Họ như "cá đã nằm trên thớt," khi một bên là đại dương mênh mông không lối thoát, một bên là phe ​phát​xít có thể ập tới bất kỳ lúc nào.

Thế nhưng một phép nhiệm màu đã xảy ra, khi cuộc di tản gần 400.000 quân Đồng minh được thực hiện trong 9 ngày từ cuối tháng 5 cho tới đầu tháng 6/1940.

"Dunkirk" kể lại chiến dịch di tản lịch sử ấy qua ba góc nhìn của những người bằng cách này hay cách khác đều liên hệ trực tiếp tới sự kiện.

"The Mole" theo chân ba chàng lính trẻ Tommy (Fionn Whitehead thủ vai), Gibson (Aneurin Barnard) và Alex (Harry Styles) trong hành trình dài khoảng một tuần, tìm cách sống sót trên bờ biển Dunkirk.

"The Sea" kể về một ngày lênh đênh trên biển từ cảng Dover tới Dunkirk để cứu viện quân Anh của người chủ tàu Dawson (Mark Rylance) cùng con trai và cậu bé trợ lý.

Và cuối cùng là "The Air," với câu chuyện chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ của viên phi công Farrier và hai chiếc máy bay khác tìm cách tiêu diệt máy bay Đức từ trên không để bảo vệ cho những người lính trên mặt đất và biển đang trên đường về nhà...

Việc đan xen và lồng ghép các tình tiết, nhân vật của ba câu chuyện kể trên sẽ khiến những khán giả xem "Dunkirk" một thời gian để định hình và mường tượng bức tranh tổng thể.

Song một khi đã quen với nhịp điệu và cách đảo bối cảnh tài tình mà không để mạch cảm xúc, câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn và hoàn chỉnh hơn với các góc nhìn đa diện.



 

(Nguồn: imdb.com)
(Nguồn: imdb.com)




Một bộ phim chiến tranh rất khác

Các bộ phim về Thế chiến đệ nhị đã được làm rất nhiều, song về mặt trận Dunkirk thì hầu như chưa có ngoại trừ một phân cảnh trong "Atonement."

Một cuộc chiến long trời lở đất với phẩm chất anh hùng dường như dễ được Hollywood khai thác và làm cho hấp dẫn hơn so với việc làm phim về một cuộc di tản.

"Dunkirk" rất khác so với những bộ phim chiến tranh thông thường. Làm phim về Thế chiến đệ nhị, nhưng quân Đức không một lần xuất hiện trên màn ảnh rộng. Phe phátxít chỉ hiện diện qua tiếng súng, tiếng bom, những chiếc chiến đấu cơ rình rập trên bầu trời như đám kền kền chờ rỉa thịt con mồi.

Đạo diễn Nolan không chọn tái hiện hình ảnh Hitler và bộ sậu như nhiều phim Thế chiến khác dạng "Inglorious Basterds," "Downfall" hay "Valkyrie."

Ông chọn khắc họa những người lính thông thường hay những người hùng vô danh như các chủ tàu sẵn sàng liều lĩnh mạng sống của mình để ra ứng cứu khi chính phủ kêu gọi.

Nếu không để ý kỹ, khán giả có lẽ sẽ chỉ nhớ mặt mà không nhớ hoặc biết tên các nhân vật xuất hiện trên phim. Bởi ngay từ phân cảnh đầu, chàng lính trẻ Tommy đã bị đưa thẳng vào tình cảnh phải chạy trốn để giữ sinh mạng.

Khi anh gặp những người lính khác, họ không có thời gian để chào hỏi hay giới thiệu về bản thân. Thứ duy nhất để họ nhận ra nhau là quân phục. Ngay cả những người dùng tàu cá nhân ra biển ứng cứu cũng ít được đề cập tên tuổi.


 

(Nguồn: imdb.com)
(Nguồn: imdb.com)



Việc bộ phim có rất ít thoại và tên nhân vật dường như là dụng ý của đạo diễn nhằm khiến khán giả tập trung hơn vào câu chuyện và cho thấy: Chiến tranh là không chỉ của riêng ai.

Không chỉ Tommy mà hàng ngàn người lính trẻ vô danh khác cũng có nét bàng hoàng trên gương mặt, ai nấy đều lo nơm nớp khi có thể nhìn thấy quê hương trước mặt và không thể về trong thế gọng kìm giữa đại dương và quân Đức.

Không chỉ riêng ông Dawson mà hàng trăm con tàu khác cũng giong buồn ra khơi, bỏ lại quê nhà đang yên bình để tới chiến địa mang về những người lính. Bởi họ hiểu rằng nếu không ra tay lúc này, rất có thể sự yên bình mà nước Anh đang có cũng sẽ bị đập tan.

Những cái tên như Dawson hay Tommy như thay thế cho bao con người vô danh khác cùng ý chí, cùng quyết tâm trong trận chiến.

Ngay cả viên phi công Farrier của Tom Hardy cũng có rất ít thoại, nhưng sẽ là một trong những nhân vật được nhắc tới nhiều nhất nhờ hành động của mình. Thoại trong phim rất ít, nhưng thực sự "đắt" và đề cao giá trị nhân văn.

Bộ phim không chọn cách tô hồng chiến tranh hay tôn vinh chủ nghĩa anh hùng. Còn đó những người lính tưởng như can trường, song sau một cú sốc tâm lý lại không còn là chính mình.

Nhân vật người lính được giải cứu của Cillian Murphy là một ví dụ, khi anh run cầm cập và không còn dám trở lại Dunkirk sau khi được giải cứu. Đó là hệ quả của việc phải sống trong lằn ranh của sự sống và cái chết.

"Dunkirk" cho thấy không sự bình yên nào là vĩnh viễn, khi nhiều lúc mọi thứ tưởng như đã an toàn bỗng chốc quay ngoắt 180 độ.

Với kịch bản dài chưa tới 100 trang, Christopher Nolan chọn cách kể chuyện bằng hình ảnh và âm nhạc.

Ông thể hiện sự kỹ tính qua các chi tiết về máy bay quân sự được tái hiện trong phim, sử dụng hàng ngàn diễn viên phụ thực và trưng dụng nhiều con tàu từng được đưa ra Dunkirk giải cứu năm xưa thay vì sử dụng kỹ xảo máy tính.

Cách sử dụng máy quay của Nolan cũng rất tài tình, khi ông thường xuyên quay cảnh đại dương qua góc rộng. Qua đó, ta thấy đại dương mênh mông vô bờ bến và con người cùng với hy vọng trở về nhà ngày càng nhỏ bé dần.

Đã có những bình luận cho rằng nếu không phải Christopher Nolan làm đạo diễn thì "Dunkirk" chưa chắc đã được tung hô tới tầm kiệt tác như truyền thông thế giới đang ca ngợi.

Nhưng nếu không phải Nolan, trên thế giới hiện tại liệu có mấy người làm được một bộ phim về "Dunkirk" lôi cuốn khán giả đến vậy, với những dấu ấn cá nhân không thể phai mờ.

Lối kể chuyện phi tuyến tính và đặc biệt là cách sử dụng âm nhạc cộng hưởng vào mạch phim và cảm xúc của Nolan đã trở thành thương hiệu.

Ông tiếp tục cộng tác với nhà soạn nhạc Hans Zimmer để rồi cặp bài trùng này lại cho ra đời một sự kết hợp hoàn hảo nữa.

Âm nhạc của Zimmer được dùng xuyên suốt phim, với giai điệu gấp gáp, dồn dập như báo hiệu cho mối hiểm nguy chưa bao giờ chấm dứt hẳn.

Thứ âm nhạc ấy được Zimmer lấy từ tiếng động cơ tàu và đồng hồ bỏ túi của chính Nolan, dẫn tới việc khán giả như được đặt vào bờ biển Dunkirk với tiếng kim đồng hồ điểm thời gian bóp nghẹt mọi thứ cảm xúc tích cực.

Và không thể không kể tới những phút cuối phim của Nolan, khi cảm xúc và những cú twist được dịp thăng hoa cùng nhạc nền.


 

(Nguồn: imdb.com)
(Nguồn: imdb.com)



Từ "The Dark Knight", "Inception" cho tới "Interstellar" đều có thể khiến khán giả xem đi xem lại cái kết bởi những hình ảnh biểu tượng rất "thấm" có thể khiến người ta ngẩn ngơ suy nghĩ kể cả khi đã bước ra khỏi rạp, kèm theo phần âm nhạc đẩy cảm xúc lên cao.

Những phút cuối của "Dunkirk" cũng không phải ngoại lệ, khi một ánh nhìn cũng đủ để người ta phải nhớ mãi.

Một bộ phim hay cần một cái kết trọn vẹn, tương xứng. Christopher Nolan đã làm được, và đó là lý do dù không có nhiều màn đọ súng hay xáp lá cà, "Dunkirk" vẫn có thể được xem như một trong những phim chiến tranh hay nhất từ trước tới nay.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm