Thời sự - Bình luận

Dứt khoát khi làm luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Thống kê sơ bộ, đến nay có khoảng hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành luật cấm thuốc lá điện tử.

Nói thế không phải để cho rằng VN cũng nên cấm thuốc lá điện tử, bởi nhiều quốc gia khác vẫn cho lưu hành kèm theo nhiều quy định nghiêm ngặt do tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe, tính mạng. Tuy nhiên, dù là cấm hay quản lý nghiêm ngặt thì các nhà làm luật tại VN cần sớm "chốt hạ" quy định về quản lý thuốc lá điện tử. Bởi thực tế, đây là vấn đề bàn tới bàn lui trong những năm qua nhưng vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.

Trong khi đó, thông tin tại Quốc hội ngày 11.11 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan dẫn kết quả khảo sát tại 34 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần, lên 3,6% năm 2020, tập trung cao nhất ở 15 - 24 tuổi. Và do thiếu quy định pháp lý đầy đủ, thuốc lá điện tử được bán tràn lan trên thị trường.

Thực trạng vừa nêu dẫn đến nhiều vấn đề lớn. Thứ nhất, dù có tác hại không nhỏ nhưng vì không bị kiểm soát nên các sản phẩm này không hề đi kèm cảnh báo theo quy định như các loại thuốc lá điếu truyền thống. Cụ thể, các bao thuốc lá điếu hiện nay phải in các hình ảnh cảnh báo về sức khỏe, thì thuốc lá điện tử lại vô tư thể hiện hình ảnh, kiểu dáng bắt mắt, sinh động để thu hút người dùng.

Vấn đề thứ hai là việc bán tràn lan thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc ẩn chứa mối nguy lớn liên quan các loại hóa chất, tinh chất thuốc lá điện tử không hề bị kiểm soát về liều lượng, thành phần lẫn nguồn gốc. Đây có thể là rủi ro cực lớn cho sức khỏe người dùng, nhất là giới trẻ.

Thứ ba, việc mua bán tràn lan và không rõ nguồn gốc khiến hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử không hề thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

Những tồn tại là quá rõ ràng như vậy, nên nếu tiếp tục chưa "chốt hạ" quy định pháp luật về thuốc lá điện tử thì nguy cơ và rủi ro sẽ ngày càng lớn.

Tương tự như vậy là việc kiểm soát "bóng cười" mà dư luận đã đặt ra suốt nhiều năm qua. Liên quan loại hình này, cơ sở pháp lý chỉ mới xoay quanh việc quản lý sản xuất và kinh doanh khí N2O, nhưng vẫn chưa có chi tiết đầy đủ đối với sản phẩm "hữu hình" cụ thể là "bóng cười". Điều đó dẫn đến việc chưa có sự thống nhất giữa các địa phương về biện pháp xử lý kiểm soát đối với "bóng cười". Nổi bật chỉ Hà Nội là quyết liệt cấm triệt để. Còn tại nhiều địa phương khác như TP.HCM thì nhiều quán xá, nhất là loại hình bar và beer club, thì "bóng cười" được bán như công khai. Trong khi đó, những hệ lụy về sức khỏe mà "bóng cười" gây ra, đặc biệt đối với giới trẻ, thì đã quá rõ ràng và dư luận không ít lần lên tiếng cảnh báo.

Sự chậm trễ trong việc ban hành những quy định pháp lý như trên thực tế gây tổn thất không nhỏ cho cộng đồng và đâu đó còn dẫn đến những biểu hiện mất trật tự xã hội. Vì vậy, trong bối cảnh xã hội luôn vận động và phát sinh nhiều vấn đề mới, thì việc làm luật càng cần được tiến hành nhanh chóng, dứt khoát.

Theo Ngô Minh Trí (TNO)

Có thể bạn quan tâm