Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Gánh gồng của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mẹ tôi một đời làm nông, cái thời “nông dân nguyên thủy” chưa có những phương tiện cơ giới hỗ trợ vận chuyển. Ngày ấy, tất tật mọi thứ cần vận chuyển từ đồng về nhà, từ nhà ra đồng đều dùng sức của đôi vai. To nặng như cày, bừa dành phần ba vác; nhỏ gọn hơn sẽ được chất vào quang gánh kẽo kẹt trên đôi vai gầy của mẹ.

Tập gánh gồng từ nhỏ nên mẹ gánh rất giỏi. Mùa gieo sạ, mẹ gánh cơm nước, lúa giống ra đồng cho ba. Mùa gặt, mẹ tất tả gánh lúa về nhà. Lúc nông nhàn thì gánh thóc đi xay, gánh bắp, khoai ra chợ. Đôi vai mẹ gánh gồng nhiều thành quen, chai sần từng lớp. Nhất là khi vào vụ, mẹ bận mải sớm hôm, trật áo ra sẽ thấy bờ vai đỏ ửng do cọ xát liên tục cùng đòn gánh. Ba trông xót ruột, bảo để lấy rượu xoa bóp nhưng mẹ gạt đi, rồi cười nói: “Không sao đâu, nghỉ gánh ít bữa lại bình thường ngay ấy mà”.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Vậy nhưng, đáng nể nhất vẫn là cảnh mẹ gánh củi. Thường thì, chuyện củi đuốc là của cánh đàn ông. Muốn có củi phải vào rừng đốn rồi gánh về nhà. Gánh củi không sử dụng đòn gánh to bản bình thường mà dùng kiểu đòn gánh “đặc chủng”: nhỏ bản nhưng rất dày, hai đầu chuốt nhọn để xóc thẳng vào bó củi (gọi là đòn xóc). Gánh bằng đòn gánh to bản thông thường đem so cùng mức độ đau vai của cây đòn xóc gánh củi chỉ là chuyện… nhỏ: củi nặng, đòn xóc nhỏ bản lại dày cứng (để chịu lực khỏi gãy) độ nhún ít nên nghiến vào vai rất đau. Vậy nhưng, phần việc dành cho đàn ông ấy những khi ba không có nhà mẹ vẫn một mình cáng đáng.

Nghe kể, hồi những năm chiến tranh, ba tham gia cách mạng đi biền biệt, mình mẹ ở nhà. Giặc càn, mẹ phải đùm túm vật dụng, gạo thóc theo người làng tản cư. Chạy bộ. Tất tật đồ đạc, lại thêm đứa con nhỏ là tôi được mẹ đặt vào quang gánh kẽo kẹt gánh đi. Nơi tản cư không gần, phải đi bộ hàng vài chục cây số mới tới. Vậy nhưng, cứ mươi bữa nửa tháng mẹ phải gánh chạy, nghe giặc rút đi lại kẽo kẹt quay về, một năm không biết bao nhiêu bận. Sau này, kỳ tích “gánh con chạy tản cư” của mẹ đã thành giai thoại trong trí nhớ của nhiều người cùng thời.

Gặp tôi, mấy thím, mấy dì hay kể chuyện xưa, nhắc nhớ cảnh mẹ tôi trên đường tản cư mặt mày lầm bụi lưng áo ướt đầm gánh đứa con thơ đang vô tư ngủ trong chiếc thúng lót rơm chao ngả chao nghiêng theo nhịp bước. Rồi thế nào mấy dì cũng nói: Bà Tư (tức mẹ tôi) giỏi thiệt, gánh cả đồ đạc và con mà các bà, các dì đi không chạy theo chẳng kịp bao giờ.

Khi tôi lớn lên, dù tuổi đã nhiều, sức khỏe có phần giảm sút nhưng mẹ vẫn không bỏ thói quen gánh gồng. Có việc ra đồng, đi chợ, không có gì nhiều mang theo mẹ vẫn cứ thích toòng teng trên vai đôi quang gánh. Tôi nói để con chở, đừng gánh nhưng mẹ nhất quyết không ưng. Mẹ bảo, đi không thấy nó cứ chống chếnh thế nào!

Có thể bạn quan tâm