Già làng Siu Bốk nói đi đôi với làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Với gần 10 năm làm trưởng thôn, ông luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc chung. Ông là người chuẩn mực, xây dựng gia đình thuận hòa, kinh tế ổn định lại tận tình giúp đỡ những người xung quanh”-Trưởng thôn Rơ Lan Tợi chia sẻ về lý do dân làng La (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) tín nhiệm bầu ông Siu Bốk làm già làng, người uy tín từ năm 2018 đến nay.

Ngôi nhà của ông Siu Bốk được xây dựng từ nhiều năm trước nhưng vẫn rất khang trang. Quanh nhà hệ thống tường rào chắc chắn và có nhiều cây xanh. Đó cũng là cách chủ nhân của nó hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới và gương mẫu đi đầu trong thực hiện để người dân học hỏi, làm theo.

Ông Bốk chia sẻ: “Nếu mình nói mà không làm thì dân làng cũng chỉ nghe xong rồi thôi. Nhưng nếu mình vừa nói vừa làm, bà con sẽ dõi theo, quan sát, rồi ủng hộ và làm theo”.

Từ việc chưa có thói quen dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, còn thả rông gia súc... đến nay, các hộ đã biết thu gom rác thải trên đường làng vào ngày 15 hàng tháng. Các hộ dân còn chủ động làm nhà vệ sinh, đào hố rác và làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời tích cực tham gia ngày công để nạo vét kênh mương nội đồng, mở rộng đường dân sinh, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ, trồng hoa và cây xanh hai bên đường.

Ông Siu Bốk (ở giữa) trò chuyện với người dân trong làng. Ảnh: P.D

Để động viên người dân, trong mỗi cuộc họp, ông Bốk đều nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cuộc sống của bà con. Cụ thể, điện thắp sáng kéo đến từng hộ, đường làng được bê tông hóa sạch sẽ, trường học, trạm y tế thuận tiện cho người dân đưa con em đến trường cũng như khám bệnh khi đau ốm. Do đó, dân làng phải luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau, cùng vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả. Hộ thiếu đất thì xin đi làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp để có thu nhập”.

Trong vai trò “thủ lĩnh tinh thần”, ông Bốk đã chủ động nêu gương bằng việc cần mẫn lao động ở tuổi 73. Sau khi chia đều diện tích đất trồng lúa, trồng cà phê cho 5 người con, vợ chồng ông chỉ giữ lại 2 con bò, 2 sào lúa nước và 600 cây cà phê.

Năm 2022, ông tái canh vườn cà phê già cỗi và cải tạo khoảnh đất trống bên hông nhà để trồng chanh dây. Sau khi tham quan một số mô hình nuôi heo rừng lai, đầu năm 2023, ông xây chuồng và mua 5 con heo giống về nuôi, tận dụng diện tích đất trống quanh vườn, quanh rẫy cà phê trồng cỏ, chuối làm thức ăn cho heo, bò. Cùng với đó, ông đầu tư máy thái đa năng để tiết kiệm thời gian, nhân công trong việc chăn nuôi.

Ông Siu Bốk (bên trái) giới thiệu về máy thái đa năng. Ảnh: Phương Dung

Ông Mai Văn Thắng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Drăng: Già Bốk là người rất có trách nhiệm, lời nói và việc làm luôn đi đôi với nhau. Bằng uy tín và sự gương mẫu của mình, già đã góp phần giúp người dân trong làng từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động hơn trong phát triển kinh tế, tiết kiệm chi tiêu và xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Năm 2022, già vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư từ năm 2020 đến năm 2022.

Anh Nay Tường chia sẻ: “Nghe theo lời khuyên của già Bốk, tôi đã đăng ký tái canh hơn 300 cây cà phê già cỗi và dự định trồng xen cây ăn quả để tăng thu nhập. Ít đất sản xuất nên tôi cũng muốn đầu tư thêm chăn nuôi và thường xuyên đến nhà già Bốk tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật nuôi heo rừng lai”.

Còn anh Siu Hok thì bộc bạch: “Hàng ngày, già Bốk vẫn thường gặp gỡ, nhắc nhở dân làng phải chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trồng cây gì cũng phải chăm tưới nước, bón phân; chăn nuôi phải làm chuồng và vệ sinh chuồng sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm; chi tiêu tiết kiệm để có cuộc sống ổn định. Già nói đúng, dạy đúng thì lớp cháu con như mình phải nghe theo”.

Đặc biệt, với lối sống mẫu mực cùng những hiểu biết về phong tục, tập quán, chính sách, pháp luật, già Bốk được dân làng tín nhiệm mời tham gia phân xử, hòa giải các vụ mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, cộng đồng dân cư.

Ông Bốk cho hay: “Chỉ vài vụ mâu thuẫn nhỏ, chủ yếu là vợ chồng bất hòa, nguyên nhân do uống rượu say không kiểm soát được lời nói, hành động. Những trường hợp này, ngoài giải thích, thuyết phục, mình còn dùng luật pháp, luật tục răn đe, giáo dục. Nếu còn tái phạm, nhẹ thì phạt gà, nặng là phạt heo. Ai cũng cam kết không tái phạm vì sợ xấu hổ với dân làng”.

Có thể bạn quan tâm