Trung Quốc đang sử dụng các cơ sở xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam để thu thập dữ liệu hỗ trợ các hoạt động hải quân của Trung Quốc (PLAN) ở Biển Đông
Nhà khí tượng học thuộc hải quân Trung Quốc tiến hành cuộc quan sát trái phép ở đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 2010. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH BENARNEWS |
Báo BenarNews hôm 24.3 dẫn nghiên cứu từ quân đội Trung Quốc và một số tài liệu khác cho thấy các nhà khoa học dân sự và quân nhân đóng trú trái phép trên những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa đang thu thập nhiều loại thông tin về thủy triều, thủy văn, khí tượng… Ngoài ra, các tàu khảo sát khoa học của Trung Quốc thường thăm dò độ sâu của Biển Đông, thu thập các mẫu sinh vật và trầm tích cũng như vẽ bản đồ đáy biển.
Dữ liệu nói trên có giá trị vì nó giúp hải quân Trung Quốc nắm rõ các yếu tố cấu thành “môi trường không gian chiến trường đại dương”, theo Giáo sư Ryan Martinson tại Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ.
Ông Martinson còn cho rằng dữ liệu hỗ trợ các hoạt động hải quân của Trung Quốc (PLAN) ở Biển Đông và giúp quân đội nước này chuẩn bị cho những cuộc xung đột tiềm tàng trên Biển Đông.
Ông giải thích rằng thủy triều, dòng chảy, độ cao của sóng, nhiệt độ, gió và độ mặn đều thay đổi. “Khả năng đoán trước những thay đổi này rất quan trọng đối với PLAN vì những yếu tố này tác động trực tiếp tới các chiến dịch hải quân, mọi thứ từ điều hướng cơ bản đến việc sử dụng khí tài cho tình báo, giám sát và do thám”, ông Martinson nhận định với BenarNews.
Cũng theo Giáo sư Matinson, những cơ sở mới Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa có thể hỗ trợ những tàu Trung Quốc có nhiệm vụ thả phao theo dõi các điều kiện của nước trong vùng biển rộng lớn. Ngoài ra, những cơ sở này cho phép PLAN điều thêm nhân sự đến Trường Sa, trong đó có nhà khí tượng học và kỹ sư để hỗ trợ quân đội Trung Quốc thu thập dữ liệu trọng yếu.
Theo Văn Khoa (TNO)