Ngày 17-8, Nhật Bản đã đề nghị Hàn Quốc đưa vấn đề tranh chấp quần đảo giữa hai nước ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) nhưng phía Hàn Quốc đã bác bỏ đề nghị này.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã đưa ra đề nghị trên với Đại sứ Hàn Quốc Shin Kak Soo trong cuộc gặp tại Tokyo, cho đây là phương thức giúp giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng, công bằng và hòa bình.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak (phải) đã đến thăm quần đảo tranh chấp Dokdo (Takeshima). |
Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh hai bên căng thẳng sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 10-8 vừa qua tới thăm quần đảo tranh chấp mà Hàn Quốc gọi là Dokdo và Nhật Bản gọi là Takeshima.
Phản ứng về đề nghị trên của Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young khẳng định lại quan điểm của Seoul rằng quần đảo Dokdo "rõ ràng là một phần lãnh thổ của Hàn Quốc căn cứ vào lịch sử, địa lý cũng như luật quốc tế" và không có tranh chấp nào đối với quần đảo này, vì vậy đề nghị của Nhật Bản "không đáng" xem xét.
Kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thực thi quyền kiểm soát tại quần đảo trên vào năm 1954, Tokyo đã hai lần đề nghị Seoul đưa vấn đề tranh chấp ra tòa án tại La Hay vào năm 1954 và 1962, nhưng đều bị từ chối. ICJ sẽ không tiếp nhận vụ việc nếu hai bên tranh chấp không nhất trí cùng đề xuất.
Quần đảo trên từ lâu đã là một nguyên nhân gây căng thẳng ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Mới đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm quần đảo tranh chấp này sau khi Nhật Bản lặp lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo trong Sách Trắng Quốc phòng của nước này. Chính phủ Nhật Bản đã triệu đại sứ tại Hàn Quốc về nước để tham vấn về chuyến thăm của Tổng thống Lee.
Tại một cuộc họp báo ngày 17-8, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi thông báo hủy một chuyến thăm tới Hàn Quốc đồng thời đề nghị xem xét lại một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương.
Cùng ngày, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Goshi Hosono tuyên bố Tokyo phản đối kế hoạch của Hàn Quốc đề cử quần đảo đang tranh chấp là Di sản địa chất thế giới, hay còn được gọi là "Công viên địa chất".
Trả lời câu hỏi của báo giới về khả năng Nhật Bản đăng ký quần đảo này là "Công viên địa chất", ông Hosono tái khẳng định quần đảo này là vùng lãnh thổ của Nhật Bản và hiện Tokyo chưa có hành động cụ thể nào liên quan tới vấn đề đó.
"Công viên địa chất" là khu vực di sản địa chất quốc tế, được Mạng lưới toàn cầu các công viên địa chất quốc gia (hay Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu - GGN) công nhận. GGN được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bảo trợ.
Theo TTXVN