Các quan chức Hàn Quốc ngày 13-9 quyết định tiến hành thảo luận về kế hoạch thực thi các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong - Moon (trái) sẽ chủ trì cuộc họp về kế hoạch thực thi nghị quyết trừng phạt mới của LHQ đối với Triều Tiên. |
Theo nguồn tin chính phủ, cuộc họp do Thứ trưởng Ngoại giao Choi Jong - Moon phụ trách các vấn đề đa phương và toàn cầu chủ trì, sẽ có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao khác thuộc các bộ Ngoại giao, Thống nhất, Tư pháp và Tài chính.
Trước đó, sáng sớm 12-9 theo giờ Hà Nội, toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên hôm 3-9. Theo kế hoạch, các nước thành viên sẽ phải đệ trình kế hoạch về lộ trình thực thi nghị quyết mới nhất trên trong vòng 3 tháng kể từ khi được thông qua.
Trong khi đó, một hành động được xem là đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của cộng đồng quốc tế, ngày 13/9, Triều Tiên tuyên bố sẽ thúc đẩy chương trình vũ khí sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ: "Việc thông qua một nghị quyết mới về các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng được xem như một cơ hội để Triều Tiên xác nhận lại rằng con đường nước này lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn và sẽ tăng cường quyết tâm theo đuổi con đường này với tốc độ nhanh hơn... cho đến khi cuộc đấu tranh này kết thúc".
Bộ trên cho rằng các biện pháp trừng phạt này nhằm tước đoạt quyền hợp pháp của Triều Tiên đối với việc phòng vệ. Vì vậy, Triều Tiên sẽ nỗ lục hơn nữa củng cố tiềm lực quân sự của mình.
Cùng ngày, Đại sứ Triều Tiên tại Nga Kim Hyun Joong cũng khẳng định Bình Nhưỡng sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt của HĐBA và đẩy Mỹ vào "tình huống khó khăn nhất" trong lịch sử.
Hãng tin Interfax dẫn lời Đại sứ Kim Hyun Joong phát biểu với báo giới nêu rõ đáp trả Mỹ là "ý chí kiên định và không thể lay chuyển của quân đội và nhân dân Triều Tiên". Quan chức ngoại giao này cũng nhấn mạnh Bình Nhưỡng bác bỏ và lên án các nghị quyết của HĐBA.
Liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên, các nhà ngoại giao và chuyên gia vũ khí cho biết mặc dù đã cùng các cường quốc thế giới thúc đẩy nỗ lực ngoại giao ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí, song Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thể phụ thuộc hoàn toàn vào lá chắn do Mỹ xây dựng nhằm bảo vệ châu Âu.
Nhà phân tích về phòng thủ tên lửa Michael Elleman thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng "lá chắn tên lửa NATO hiện nay thiếu tầm với và các radar cảnh báo sớm để có thể bắn hạ các tên lửa Triều Tiên. Đó là một điểm yếu. Việc theo dõi sớm cũng khó khăn do tên lửa của Triều Tiên sẽ bay qua Nga, nơi NATO rõ ràng không thể đặt các radar".
Các chuyên gia vũ khí cho rằng loại vũ khí đánh chặn cần thiết để bắn hạ các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể vi phạm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời hậu Xô Viết giữa Nga và Mỹ, do vũ khí này có tầm bắn xa hơn.
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là mạnh nhất của Triều Tiên, các nhà ngoại giao cấp cao của NATO cho biết việc phòng thủ trước mối đe dọa Triều Tiên chỉ đang bắt đầu được xem xét tại trụ sở của liên minh quân sự này.
Đến nay các nhà ngoại giao cho rằng Triều Tiên khó có thể sở hữu một tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng tin cậy sớm nhất là cho tới năm sau cũng như các đồng minh tại châu Âu của NATO có thể trở thành một mục tiêu, như một cách để Bình Nhưỡng đe dọa Mỹ, đồng minh gần gũi nhất của NATO. Theo các nhà phân tích, đây có thể chỉ là những lời đồn đoán.
TTXVN/Báo Tin Tức