(GLO)- Sau khi Công an tỉnh Thanh Hóa phá vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có quy mô lớn nhất cả nước núp dưới danh nghĩa công ty tài chính mang tên Nam Long, dư luận xã hội dấy lên mối quan ngại sâu sắc về loại hình tín dụng biến tướng này.
“Tín dụng đen” được xem là thực trạng đáng lo ngại, là nguy cơ làm bần cùng hóa người nghèo và là yếu tố gây bất ổn xã hội. (ảnh nguồn internet) |
Đặc biệt, trong kỳ họp HĐND các tỉnh thành vào dịp cuối năm, vấn đề “tín dụng đen” được xem là thực trạng đáng lo ngại, là nguy cơ làm bần cùng hóa người nghèo và là yếu tố gây bất ổn xã hội. Theo lãnh đạo Công an TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày, lực lượng Công an thành phố phải xử lý 4 vụ đòi nợ “tín dụng đen”. Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 10-2016 đến nay, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện, xử lý 801 vụ việc có liên quan đến các hoạt động kinh doanh tài chính. Qua đó, ngành chức năng đã khởi tố 77 vụ, bắt 139 đối tượng, trong đó triệt phá 10 ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động “tín dụng đen”.
Tại Gia Lai, mặc dù tỉnh quyết liệt chỉ đạo xử lý hoạt động “tín dụng đen” nhưng loại hình này vẫn diễn biến phức tạp và âm ỉ kéo dài. Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XI, Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Trong năm 2018, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 6 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến “tín dụng đen”. Đặc biệt, tình trạng cho vay nặng lãi không chỉ xảy ra ở khu vực nông thôn mà còn phổ biến ở khu vực đô thị. Trên các tuyến phố Pleiku vẫn xuất hiện la liệt những tấm quảng cáo cho vay liên quan đến “tín dụng đen”. Trên thực tế, không ít trường hợp ngày càng lún sâu vào nợ nần vì trót vay tiền với lãi suất cắt cổ. Nhiều gia đình bỗng chốc mất nhà, mất xe vì vay mượn “tín dụng đen”.
Tại sao Chính phủ có nhiều chương trình cho vay hỗ trợ người nghèo, các ngân hàng thương mại mở rộng dịch vụ cho vay vốn nhưng “tín dụng đen” vẫn tồn tại và lan rộng? Vì sao nhiều người biết lãi suất cắt cổ nhưng vẫn bấm bụng vay “tín dụng đen”? Tại sao các cấp, các ngành vào cuộc xử lý nhưng “tín dụng đen” vẫn có đất sống?
Thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội, HĐND các cấp, phương tiện truyền thông, nhiều chuyên gia đề cập những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý hành vi cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất. Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh-Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh, để có hành lang pháp lý ngăn chặn “tín dụng đen” thì cần sửa đồng bộ các quy định, trách nhiệm, hành vi phạm tội của nhóm tội phạm này trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Đặc biệt là phải đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
Chế tài xử lý hoạt động “tín dụng đen” là rất cần thiết nhưng chỉ là “phần ngọn” của vấn đề. Điều cốt yếu là làm thế nào để tuyên truyền cho người dân nhận thức được hiểm họa rình rập từ “tín dụng đen”. Để làm được điều đó, trước hết, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội cần giúp một bộ phận người dân xóa bỏ tâm lý chủ quan, chụp giật và thiếu cân nhắc trong chi tiêu, vay mượn. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần thường xuyên rà soát, phát hiện những trường hợp rủi ro, ngặt nghèo để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hạn chế nguy cơ tiếp cận với hình thức vay mượn lãi suất cao. Trong nhiều trường hợp, việc vay “tín dụng đen” có nguyên nhân từ các tệ nạn xã hội như: đánh bạc, cá độ bóng đá, nghiện ngập… Vì vậy, chính quyền địa phương cũng như gia đình cần theo dõi, phát hiện sớm để giúp nạn nhân không sa lầy vào bẫy “tín dụng đen”.
Xét cho cùng, “tín dụng đen” là biến tướng của hoạt động tín dụng. Muốn ngăn chặn “tín dụng đen”, trước tiên, các loại hình tín dụng, trong đó có tín dụng chính sách phải “khỏe mạnh”, phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa và phải đồng hành cùng người dân. Nghĩa là phải làm thế nào để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tín dụng lành mạnh. Để làm được điều đó, thủ tục cho vay phải được tinh giản, linh động, diện cho vay cần được mở rộng… Vì vậy, cùng với các lực lượng khác, ngành Ngân hàng cũng phải giữ vai trò chủ công trong cuộc chiến loại trừ “tín dụng đen”.
Ngăn chặn, tiến đến xóa bỏ “tín dụng đen” không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà là “những việc cần làm ngay” để đảm bảo an sinh và trị an xã hội. Vì vậy, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ ngày 3-12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương “xử lý đến nơi đến chốn tình trạng tín dụng đen”, nhất là vào dịp Tết Kỷ Hợi.
Duy Lê