Tin tức

Hi Lạp: tổng bãi công bạo lực vì khủng hoảng nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 26-9, hàng chục nghìn người Hi Lạp đã đổ xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới của chính phủ. Họ đốt phá, ném đá, bom xăng vào cảnh sát giữa thủ đô Athens
 

Cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn giữa thủ đô Athens.
Cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn giữa thủ đô Athens.

Cuộc tổng bãi công kéo dài cả ngày 26-9 và đây là cuộc đình công lớn nhất Hi Lạp kể từ khi chính phủ liên minh mới được thành lập ở nước này hồi tháng 6 vừa qua.

Gánh nặng nợ nần đã khiến Chính phủ Hi Lạp phải cắt giảm tiếp tiền lương và lương hưu, sa thải bớt nhân viên hưởng lương ngân sách nhằm tiết kiệm 11,5 tỉ euro từ năm 2013-2014 để nhận gói cứu trợ thứ hai 130 tỉ euro từ EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh vô số người Hi Lạp đã mệt mỏi sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và đang phải vật lộn mưu sinh khi tiền lương bị giảm một nửa, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Tính đến tháng 5-2012, có tới 53,8% thanh niên Hi Lạp dưới 25 tuổi không có việc làm.

Cảnh sát Athens ước tính số người biểu tình tại thủ đô khoảng 35.000 người, trong khi các liên đoàn lao động tổ chức biểu tình cho hay có tới 50.000 người tham gia. Những người quá khích đã ném đá, chai lọ, bom xăng vào cảnh sát, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng để xua đám đông, bắt giữ ít nhất 100 người. Biểu tình đình công còn lan ra các thành phố khác khắp Hi Lạp, trong đó có Patras, phía tây Athens.
 

Một người biểu tình bị cảnh sát trấn áp.
Một người biểu tình bị cảnh sát trấn áp.

Nhiều ngả đường ở Athens phải đóng cửa, mạng lưới giao thông công cộng không hoạt động, hàng chục chuyến bay bị hủy, nhiều tàu bè bị từ chối cập cảng, trường học đóng cửa, bệnh viện chỉ còn một số ít y bác sĩ nòng cốt.

Costas Liveris - một nhân viên hành chính công 36 tuổi - cho hay anh đã bị cắt một nửa tiền lương và rất chật vật khi giá lương thực, thực phẩm cơ bản ngày một tăng. “Tôi thấy tức giận và không có hi vọng vì sau cuộc bầu cử, chúng tôi chẳng nhận được gì từ lời hứa của chính phủ mới. Đảng mới cầm quyền nhưng chính sách thì y như cũ. Đã nhiều năm qua, các chính sách của họ không hề cải thiện đời sống người dân” - Liveris nói.

Trước đó tối 25-9, người Tây Ban Nha cũng biểu tình rầm rộ chống các biện pháp cắt giảm ngân sách của chính phủ. Hàng chục người bị thương và bị bắt khi đụng độ với cảnh sát ở trung tâm Madrid. Họ cho hay cảnh sát đã bắn đạn cao su vào đám đông.

Khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã khiến nhiều quốc gia phải thắt chặt chi tiêu. Tây Ban Nha và Ý đang phải vật lộn với khối nợ lớn trong khi tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm