Đại diện của hơn 30 quốc gia thuộc những khu vực có diện tích rừng lớn của châu Phi, Mỹ Latin và châu Á, cùng đại biểu của 12 nước tài trợ đã tham dự hội nghị.
Hội nghị quốc tế về các vùng rừng lớn trên thế giới diễn ra hôm qua (11-3) tại Pháp. Tại hội nghị này, các bên tham gia thảo luận về các giải pháp chống tình trạng phá rừng trên thế giới, trong đó có việc triển khai khoản tài trợ 3,5 tỷ USD mà 6 nước (gồm Pháp, Australia, Nhật Bản, Anh, Na Uy và Mỹ) đã cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuất phát từ nạn phá rừng tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen vừa qua.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi các nước giàu và các nước phát triển cùng nhau gánh vác nhiệm vụ chống phá rừng trên thế giới với mục tiêu giảm nạn phá rừng còn 50% vào năm 2020 và xoá bỏ tình trạng phá rừng vào năm 2030. Ông Sarkozy nhấn mạnh rằng việc chống phá rừng phải gắn với việc đảm bảo đời sống của người dân ở các nước nghèo. Tổng thống Sarkozy nói: “Thật phi lý nếu phải lựa chọn giữa việc bảo vệ rừng và sự nghèo đói của người dân sống ở các khu rừng và những vùng lân cận. Tôi hy vọng sẽ có một nghiên cứu về tác động tích cực và tiêu cực của chương trình chống phá rừng đối với vấn đề an ninh lương thực để từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất nhằm dung hoà hai nhiệm vụ chống phá rừng và an ninh lương thực.”
Bên cạnh đó, Tổng thống Sarkozy cũng cho biết tại hội nghị nhóm G20 mà Pháp chủ trì diễn ra vào tháng 11-2010, Pháp sẽ kêu gọi các nước trong nhóm thông qua và áp dụng sáng kiến đánh thuế đối với các giao dịch tài chính để lập quỹ bảo vệ rừng trên thế giới.
Dự kiến, sau hội nghị Paris này, một hội nghị khác sẽ diễn ra tại Oslo, Na Uy vào tháng 5-2010. Cả hai hội nghị này đều nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về khí hậu diễn ra từ ngày 9 đến 11-4-2010 tại Bonn (Đức) và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Mexico từ 29-11 đến 10-12-2010.
Theo VOV