Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Hồi sinh những nhành hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán ít ngày, mấy người bạn của tôi lại dành thời gian dạo quanh phố phường hay lang thang trong hầu hết các con hẻm để gom những cành đào đã trưng hoặc những chậu cúc hoa tàn ở bên lề đường.

Đây chủ yếu là số hoa của các gia đình không có nhu cầu lưu giữ, sử dụng. Không những vậy, bạn còn đăng tin lên mạng xã hội để xin những gốc hoa đào, hoa mai đã qua một mùa Tết. Tất cả số chậu hoa thu được, bạn mang về trồng, chăm sóc. Theo thời gian, bạn cũng không nhớ được là mình đã hồi sinh bao nhiêu cây hoa nữa. Trồng hoa vốn đã vất vả và việc đem lại sức sống mới cho những nhành cây đã hiến dâng vẻ tinh túy nhất cho đời sau một mùa xuân cũng bội phần khó khăn.

Cuộc sống vốn rất nhiệm màu. Hoa lá cũng vậy. Nở rồi tàn, tàn rồi lại nở. Cho nên việc giúp một loài hoa hồi sinh trong một hình hài mới, để ngày nối ngày lại được thức giấc cùng bình minh, vui đùa trong gió, trong nắng và trở thành nhan sắc của nhiều mùa sau cũng khiến cho lòng tôi dạt dào bao ý niệm. Trong cảm xúc trào dâng, tôi tưởng như nghe được lời hoa nói.

Vậy nên lòng không thôi tự hỏi, khi những loài hoa hoàn thành sứ mệnh điểm trang ngày Tết, tô thắm cho ngôi nhà, mang đến nguồn sinh khí cho con người thì chúng sẽ có vòng đời khác như thế nào?

Nhờ sự dày công chăm sóc của con người, những vườn hoa ở phố núi Pleiku luôn rực rỡ, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: N.T.D

Nhờ sự dày công chăm sóc của con người, những vườn hoa ở phố núi Pleiku luôn rực rỡ, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: N.T.D

Người ta nói rất nhiều về vẻ mơn mởn tinh khôi, sự e ấp kín đáo, niềm rạng rỡ thắm tươi hay cao sang quý phái của hoa, nhất là dịp Tết đến xuân về. Nhưng ít ai nhắc đến từ khô cằn những cành cây như thêm một cuộc đời mới. Như cách của một số người chơi hoa Tết ở quê tôi. Khi hoa sắp tàn, người dân quê tôi thường ngắt từng bông hoa rồi dùng lạt của đòn bánh tét mà giăng hoa thành dây đem phơi nơi hiên nhà, chờ đến khi chúng thật giòn, thật khô thì đem đi cất làm giống gieo tiếp vụ Tết năm sau.

Hoặc có người thì bứng cây từ chậu rồi mang ra chỗ đất gần nước trồng lại. Tuy nhiên, cũng chỉ một số ít loại hoa mới hồi sinh được như thế, đơn cử như hoa cúc, còn lại phải nuôi dưỡng bằng cách thay đất, bón phân và chăm sóc hàng ngày như đào, mai… Và hiện nay cũng ít người làm việc này. Có thể là do bận rộn công việc, không gian sống chật hẹp hoặc điều kiện không cho phép...

Dành thời gian trò chuyện với bạn, tôi càng hiểu và cảm nhận sâu sắc rằng, tất thảy mọi thứ từ úa tàn đều có thể hồi sinh được. Nên ngay cả những nhành cây đang dần héo úa kia cũng có thể tái sinh thì có khó khăn gì mà con người không thể vượt qua?

Chúng ta đã quá quen thuộc khi luôn tìm đến với những mầm xanh tươi lá mà không để ý đến những khô cằn tưởng hóa củi mục. Khi đối diện với khô cằn ấy, tôi chợt nhận ra, cuộc sống này chẳng bao giờ ngừng thay đổi. Chính những gồ ghề cuộc sống, bằng cách nào đó lại trở nên êm dịu vô chừng. Giống như những đào hoa, mai Tết vất vưởng hè phố kia tưởng như không thể có cơ hội thêm một đời sống nữa; vậy mà bỗng chốc bừng lên và “tỉnh thức” một cách lạ thường.

Có lẽ vì thế mà tôi luôn cho rằng, việc chơi hoa Tết trước đó hay hồi sinh loài hoa sau đó cũng đều có ý nghĩa lớn lao như nhau. Đó là việc kế tiếp luân hồi của sự sống, sự trường tồn của một vùng đất, như cách người ta dồn mọi yêu thương và hy vọng để gửi gắm những bình an, sức khỏe, hạnh phúc đến muôn nơi.

Không hiểu sao tôi chợt nhớ đến nhân vật Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc trong tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần. Tôi không đến nỗi ủy mị như 2 nhân vật khi khóc thương cho loài hoa đã rụng rồi đem đi chôn, nhưng lại mong muốn nhiều hơn những tấm lòng rộng mở với những cành mai, cành đào... Hoa quý, hoa đẹp đáng là thứ để được nâng niu trân trọng và hồi sinh nó.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn ngồi thật lâu và thả rong từng ý nghĩ bên những khô tàn trôi qua để thấy mình còn lại gì trong lặng yên với những vòng đời tái sinh kia. Có lẽ ai rồi cũng phải đưa bàn tay nắm lấy, nhận lấy những yêu thương. Từ bị lụi tàn, bị hắt hủi mà được dưỡng chăm, được thở, được lớn lên giữa khô tàn, không phải đáng để trân trọng hay sao?

Không phải ta đang tham lam hay luyến tiếc, mà bởi ta đã trót vương lời thề sống hết mình, sống tận cùng dâng hiến. Và, hơn cả là ta bất chợt nhận ra những xanh non với bao mai vàng cánh tươi, cùng đào hoa sắc thắm đang trải sắc, lung linh trong đôi mắt dịu hiền, xinh tươi của mùa sau đang đợi mình ở phía mùa xuân.

Có thể bạn quan tâm