Hơn nhau ở cách làm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Tiếng sét trong mưa" (biên kịch: Hạ Thu, đạo diễn: Nguyễn Phương Điền, Mega GS sản xuất, đang phát sóng trên THVL1) là tác phẩm hiếm hoi của truyền hình phía Nam nối tiếp "Gạo nếp gạo tẻ" gây sốt màn ảnh nhỏ.



Phim có lúc đạt rating (lượng người xem) ở mức 26.0 - con số rating kỷ lục của Đài Truyền hình Vĩnh Long (các phim thu hút khán giả thông thường đạt mức 8 - 13.0).

Suốt thời gian dài, phim truyền hình miền Nam sụt giảm mạnh cả số lượng lẫn độ thu hút. Nhiều phim không tạo được chú ý như những gì mà "Gạo nếp gạo tẻ" và "Tiếng sét trong mưa" làm được. Những phim ghi dấu ấn màn ảnh nhỏ trước đó đa phần do Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất. Những phim này phát sóng giờ vàng trên đài quốc gia, độ phủ sóng lan tỏa cả nước. Vì thế, "Tiếng sét trong mưa" chỉ phát sóng ở đài tỉnh nhưng lập nên con số kỷ lục như thế không phải là chuyện dễ dàng.


 

 Cảnh trong phim “Tiếng sét trong mưa” (Nhà sản xuất cung cấp)
Cảnh trong phim “Tiếng sét trong mưa” (Nhà sản xuất cung cấp)



Không chỉ lượng người xem qua truyền hình cao, phim còn nhiều lần vào tốp tìm kiếm trên Google cũng như tốp xu hướng của mạng xã hội YouTube. Mỗi video clip về phim trên YouTube cũng thu hút hàng triệu lượt xem cùng nhiều bình luận. Cho thấy "Tiếng sét trong mưa" không phải ngẫu nhiên tạo được sự chú ý trong thời điểm dòng phim xưa đang dần mất vị thế so với phim xã hội hiện đại, kịch tính, nhiều cao trào. Đó là sự kết hợp tốt giữa kịch bản được phóng tác từ tác phẩm sân khấu nổi tiếng "Lôi Vũ" (tác giả Tào Ngu - Trung Quốc) cho đến dàn diễn viên, bối cảnh, cách kể chuyện hấp dẫn của đạo diễn. Phim có sẵn đường dây kịch bản chặt chẽ, bảo đảm đủ các cung bậc cảm xúc. Một câu chuyện dữ dội, đầy bi kịch nhưng tuân theo quy luật nhân - quả đã được đúc kết thành bài học mà thời nào cũng có giá trị nhất định. Phần diễn xuất tốt của những diễn viên gạo cội như Cao Minh Đạt, Nhật Kim Anh, Cao Thái Hà... góp phần tăng sức hấp dẫn khán giả. "Tiếng sét trong mưa" khác xa cách mà phim xưa trước đó là "Mộng phù hoa", do Quế Ngọc và Nam Yên đạo diễn, mạch chậm rãi, dàn trải nhưng lại đan xen vào đó vô số cảnh nóng, không thu hút khán giả như kỳ vọng. Cảnh nóng không phải cách giúp dòng phim xưa thu hút khán giả, mà thực tế chứng minh kịch tính, cao trào trong mỗi tập mới là chìa khóa then chốt. Thêm vào đó, sự đầu tư chỉn chu, chi tiết cũng là yếu tố góp phần chinh phục khán giả màn ảnh nhỏ. "Tiếng sét trong mưa" được đầu tư 10 tỉ đồng, đạo diễn Phương Điền chia sẻ phải lặn lội khắp các tỉnh miền Tây mới tìm được ngôi nhà cổ phù hợp. Anh cũng không ngần ngại bỏ thời gian chọn những bối cảnh đẹp để phô diễn một vùng quê Nam Bộ trù phú. Đôi khi, các cảnh này chỉ xuất hiện vài giây trên phim nhưng đoàn cũng phải đến tận nơi quay vài ngày, chi phí không nhỏ. Những tâm huyết và công sức của ê-kíp bỏ ra phần nào đã được đền đáp.

Tuy nhiên, "Tiếng sét trong mưa" cũng gây ra không ít tranh cãi. Một số khán giả không chấp nhận phim có những chi tiết bạo lực, tàn khốc, nâng tầm cái ác, phá nát văn hóa Nam Bộ xưa. Số khác cho rằng phim chỉ là tác phẩm giải trí, không phải phim tài liệu vùng miền nên có quyền sáng tạo.

"Tiếng sét trong mưa" cho thấy dòng phim xưa không mất đi sức hút, chỉ là người sáng tạo làm thế nào để dung hòa giữa cách làm cũ và mới. Một cách kể hiện đại, đầy cao trào, kịch tính chứ không xa lạ kiểu dĩ vãng, quá khứ sẽ là một giải pháp đưa phim xưa trở lại với khán giả Việt.

Minh Khuê (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm