3 công dân Úc, trong đó 2 người mang quốc tịch kép Anh- Úc đã bị bắt và giam giữ nghi đã tiếp cận căn cứ quân sự của Iran.
Ba công dân Úc - hai người mang hộ chiếu kép Anh - Úc đã bị bắt và giam giữ ở Iran vài tháng trước do cắm trại ở khu vực quân sự xung quanh khu vực Jajrood gần Thủ đô Tehran.
Hai phụ nữ mang quốc tịch kép Anh-Úc được cho là đang bị giam giữ tại nhà tù Evin, Tehran
Một nữ học giả người Anh gốc Úc đang giảng dạy tại một trường đại học ở Úc nằm trong số này. Hai người còn lại là nữ blogger người Anh gốc Úc và bạn trai người Úc đang đi du lịch ở Iran.
Các nguồn tin nói với tờ The Times rằng, những người này dường như đã cắm trại gần nơi là khu vực quân sự.
Hai người phụ nữ đã bị giam giữ tại nhà tù Evin ở Tehran, nơi Nazanin Zaghari-Ratcliffe (41 tuổi, người Anh) đã bị giam giữ vì tội gián điệp kể từ năm 2016. Không rõ nơi ở của người đàn ông đi cùng nữ blogger.
The Times cho biết, vị học giả đã bị kết án 10 năm tù và bị giam giữ riêng biệt. Nguồn tin nắm rõ về vụ việc cho biết thêm, nữ blogger hiện đang được tạo điều kiện để trao đổi tù nhân với phía Úc.
Iran đã nhắm mục tiêu vào công dân có quốc tịch kép trong những năm gần đây, nhưng việc giam giữ công dân nước ngoài không có quốc tịch Iran được cho là không bình thường.
Chính phủ Úc đang tiến hành các cuộc đàm phán với Tehran về các điều kiện và khả năng thả cả ba người bị bắt.
Tờ The Guardian cho biết, Bộ Ngoại giao Anh đã nhận thức được vụ việc trong một vài tuần qua, nhưng đã yêu cầu các nhà báo không báo cáo chúng.
Bà Tulip Siddiq thuộc Công đảng Anh cáo buộc Iran có hành vi “ngoại giao con tin”.
Tháng trước, tòa án ở Iran tuyên án 12 năm tù đối với công dân mang quốc tịch kép Anh - Iran là Anushe Ashuri về tội làm gián điệp, trong đó có cáo buộc hợp tác với cơ quan tình báo của Israel.
Tòa cũng giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhân viên Hội đồng Anh Aras Amiri bị bắt vào năm 2018 về tội làm gián điệp.
Anh và Iran đã gia tăng căng thẳng trong những tháng gần đây liên quan đến vụ bắt giữ một tàu chở dầu Iran ngoài khơi Gibraltar vào tháng 7. Con tàu sau đó đã được thả ra và đổi tên là Adrian Darya-1 cùng cam kết không bán dầu cho Syria.
Tuy nhiên, trong lúc Mỹ và các nước đồng minh đang theo sát hải trình, con tàu Iran đã tắt thiết bị phát đáp từ ngày 2/9, khiến các tổ chức theo dõi hàng hải quốc tế không nắm được hải trình của con tàu. Công ty Công nghệ Vũ trụ Mỹ Maxar Technologies Inc hôm 7/9 cho biết các thiết bị vệ tinh chụp được hình ảnh "siêu tàu dầu" ở rất gần cảng Tartus, Syria.
Các quan chức London tin rằng dầu được chuyển từ tàu Grace 1 xuống các tàu nhỏ hơn và chuyển vào Syria.
Trước động thái bất thường của tàu dầu Iran, Bộ Ngoại giao Anh cáo buộc Iran vi phạm cam kết không cung cấp dầu cho bất kỳ thực thể nào bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt ở Syria hoặc nơi khác.
"Hành động của Iran thể hiện sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với các chuẩn mực quốc tế. Anh sẽ nêu vấn đề tại Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng này. Việc Iran bán dầu cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad là một phần của nỗ lực phá hoại an ninh khu vực. Chúng tôi muốn họ giữ lời hứa và tuân thủ hệ thống quốc tế dựa trên quy tắc" – Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raabn nêu rõ.
Gibraltar thả tàu vào ngày 15/8, sau khi nhận được cam kết bằng văn bản từ Iran rằng con tàu sẽ không bán 2,1 triệu thùng dầu cho Syria. Tuy nhiên, Iran sau đó tuyên bố không đưa ra cam kết nào như vậy.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 8/9 cho biết tàu Adrian Darya-1 đã dỡ toàn bộ số dầu mang theo tại một cảng ở Địa Trung Hải, nhưng không nêu địa điểm cụ thể. Trước đó, Tehran thông báo đã bán hết dầu trên tàu, nhưng không tiết lộ bên mua.
Hải Lâm (Đất Việt)