Tin tức

Kế hoạch "ngàn năm có một" của Tổng thống Biden

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống Joe Biden đề xuất gói đầu tư khổng lồ nhằm cải tiến cơ sở hạ tầng ở Mỹ và đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.



Tổng thống Joe Biden hôm 31-3 đã công bố gói đầu tư hạ tầng trị giá 2,3 ngàn tỉ USD trong nỗ lực chuyển trọng tâm sang thúc đẩy kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Kế hoạch bao gồm khoản đầu tư 621 tỉ USD vào hạ tầng giao thông như cầu, đường, phương tiện công cộng, cảng, sân bay và phát triển xe điện; 400 tỉ USD dành cho chăm sóc người già và khuyết tật; hơn 300 tỉ USD cải thiện cơ sở hạ tầng nước uống, mở rộng truy cập băng thông rộng và nâng cấp lưới điện.

Kế hoạch này trải dài 8 năm và được chi tiền trong hơn 15 năm bằng cách tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% và tăng thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của các doanh nghiệp. Những thay đổi về thuế sẽ sửa đổi hoặc thay thế phần lớn cấu trúc thuế quốc tế mà Đảng Cộng hòa thiết lập cách đây 4 năm trong đạo luật được cựu Tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Phát biểu tại Pittsburgh, ông Biden nhấn mạnh trong 50 năm tới, người dân Mỹ sẽ nhìn lại và nói rằng đây là thời điểm mà nước Mỹ đã giành trước chiến thắng trong tương lai.

 

Các phương tiện di chuyển trên đoạn đường có biển báo công trình thi công ở TP Union City, bang New Jersey - Mỹ hôm 31-3 . Ảnh: REUTERS


Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa nhanh chóng phản đối kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp để đổi lấy khoản đầu tư với lập luận điều này chỉ làm suy yếu nền kinh tế của Mỹ trong giai đoạn phục hồi. Sự phản đối này, theo AP, báo hiệu con đường gập ghềnh của kế hoạch trên. Chưa hết, các tổ chức kinh doanh từ lâu ủng hộ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng nhưng không chấp nhận cách đánh thuế doanh nghiệp.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi ông Biden thông qua gói cứu trợ trị giá 1,9 ngàn tỉ USD, gói đầu tiên trong kế hoạch kinh tế gồm hai phần. Gói kinh tế thứ hai tập trung vào chăm sóc trẻ em, bảo hiểm y tế, giáo dục và dự kiến được công bố trong tháng này. Theo AP, các quan chức Nhà Trắng cho rằng đây là nỗ lực để cạnh tranh với công nghệ và đầu tư công của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang đe dọa vị trí thống trị Mỹ.

Trung Quốc hiện vẫn là nhà cung cấp hàng tiêu dùng chính của thế giới vào năm ngoái sau khi phục hồi kinh tế nhờ ngăn chặn sớm đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát công nghệ nhạy cảm với Mỹ khiến các công ty Trung Quốc đối mặt hàng loạt lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu mới.

Cân nhắc kịch bản trên, nhiều công ty đa quốc gia có khả năng tái cơ cấu chuỗi cung ứng vốn tập trung vào Trung Quốc, chuyển sang đa dạng hóa nhà cung cấp để thúc đẩy khả năng phục hồi hậu đại dịch Covid-19 - theo báo cáo hôm 31-3 của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), đơn vị giám sát kinh tế vĩ mô khu vực có trụ sở tại Singapore, đại diện cho 10 thành viên của ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo báo cáo của AMRO, nguồn đầu tư trực tiếp vào Đông Nam Á tăng mạnh kể từ năm 2018 cho thấy khả năng tái cơ cấu mô hình sản xuất do ảnh hưởng từ những căng thẳng thương mại. Báo cáo đề cập đến một số trường hợp như nhà cung cấp phụ tùng xe hơi Hyundai Mobis đã rút hoạt động khỏi Trung Quốc chuyển về Hàn Quốc và GoerTek, nhà cung cấp tai nghe không dây chính của hãng Apple, chuyển đến Việt Nam.

 

Biển Đông nóng lên

Trong cuộc điện đàm hôm 31-3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon đã thảo luận về mối lo ngại chung liên quan đến hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông. "Ông Sullivan nhấn mạnh Mỹ sát cánh với đồng minh Philippines trong nỗ lực duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời tái khẳng định khả năng áp dụng Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines trên biển Đông" - Nhà Trắng cho biết. Theo Reuters, Philippines đã mô tả sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là "dày đặc và mang tính đe dọa".

Giữa lúc căng thẳng gia tăng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Canada, ông Daniel Le Bouthillier, xác nhận tàu chiến HMCS Calgary của họ đã đi qua biển Đông trong ngày 29 và 30-3. Cũng theo ông Le Bouthillier, HMCS Calgary di chuyển gần quần đảo Trường Sa bởi đây là tuyến đường phù hợp nhất để con tàu này đi từ Brunei đến Việt Nam. Một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Canada tiết lộ HMCS Calgary bị tàu Trung Quốc theo sát như hình với bóng xuyên suốt hành trình này.

Báo The Canadian Press khẳng định vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Ottawa - Bắc Kinh, vốn đã xấu đi kể từ khi Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại sân bay Vancouver (Canada) hồi tháng 12-2018.

Lộc Minh



Theo XUÂN MAI (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm