Triển lãm gồm 70 bức tranh, hình ảnh, bảng trích, được bố cục thành 3 phần để công chúng dễ hình dung về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Xu Man. Đây cũng là lần đầu tiên triển lãm giới thiệu bộ sưu tập tranh gốc của họa sĩ hiện đang được trưng bày, cất giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu 1 số tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (chụp lại).
Khai mạc triển lãm tranh Xu Man-cánh chim đầu đàn của nền mỹ thuật Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Họa sĩ Xu Man (1925-2007) sinh ra trong 1 gia đình Bahnar (nay thuộc làng Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang). Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ Thuật Việt Nam), vinh dự được gặp Bác Hồ trong một cuộc triển lãm mỹ thuật tại Hà Nội tháng 2-1962. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1955-1982). Họa sĩ giành giải A hội họa tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976. Năm 2012, họa sĩ Xu Man được truy tặng giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: Bác Hồ với tình yêu Tây Nguyên, Bác Hồ với Tây Nguyên (sơn dầu); Ngày hội trên Tây Nguyên, Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên (sơn mài).
Các em học sinh TP. Pleiku tìm hiểu tranh của họa sĩ Xu Man. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Tranh của họa sĩ Xu Man được trưng bày, lưu giữ tại nhiều nơi trong và ngoài nước. Trong đó, Bảo tàng tỉnh Gia Lai hiện đang lưu giữ, bảo quản 17 tác phẩm, được sưu tầm trong khoảng thời gian 1996-2005 từ nhiều nguồn khác nhau. Các tác phẩm đều là chất liệu sơn dầu, có 1 bức ký họa bằng màu nước, được sáng tác giai đoạn sau năm 1975.
Đề tài chủ đạo trong các tác phẩm của họa sĩ Xu Man xoay quanh con người, văn hóa và phong cảnh Tây Nguyên, đặc biệt Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là hình tượng chiếm số lượng lớn trong bộ sưu tập của ông. Tranh Xu Man không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị về văn hóa, lịch sử về cao nguyên đại ngàn.
Trong sáng khai mạc, triển lãm thu hút đông đảo người dân, văn nghệ sĩ và các em học sinh đến thưởng lãm.
Triển lãm tranh Xu Man diễn ra đến hết 30-9 tại Phòng Chuyên đề, Bảo tàng tỉnh Gia Lai.