Thời sự - Bình luận

Không nên, không đáng và không thuận tình!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn thu không thiếu xu nào, kể cả đối với khoản hỗ trợ mất việc. Nguồn thu thuế TNCN vẫn tăng cao, hơn 3.900 tỉ đồng so với năm ngoái, trong hoàn cảnh dịch bệnh tác động đến đời sống thu nhập của đại bộ phận dân cư.
Kết thúc công việc ở Công ty TNHH Giày da Huê Phong, La Chí Cường chạy ngay về nhà mang ra cổng công ty 10 chai và 20 hũ sữa chua: “Công nhân sắp thất nghiệp, anh chị em mua ủng hộ ông bố nuôi con”- Cường mời chào, nhấn mạnh bằng hoàn cảnh khó khăn.
Cường, làm việc ở Công ty Huê Phong 12 năm, lương 9 triệu đồng. Kể từ lúc dịch bệnh, lương của anh bị cắt giảm dần.
Vợ, cùng công ty, đã mất việc từ hồi tháng 6, giờ ở nhà làm sữa chua nuôi 2 con nhỏ.
Câu chuyện của Cường xuất hiện trên VnExpress vào ngày 27.8. Chỉ vài ngày trước thời điểm 31.8 - lúc anh bị... cho nghỉ. Hôm ấy, những cô công nhân mua sữa giúp cha con anh buồn rầu: “Tụi em cũng sắp nghỉ rồi”.
Không biết bây giờ ai sẽ mua những hũ sữa chua “tiền lẻ” ấy khi bị nghỉ cùng với Cường, còn có 1.600 công nhân khác.
Hãy để ý đến giá của một hũ sữa chua: Chỉ vài nghìn đồng. Số lãi, có lẽ chỉ tiền trăm. Nhưng những trăm, những nghìn lẻ ấy đang có giá trị như nguồn sống của không ít lao động.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra 2 đề nghị rất quan trọng: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét không thu thuế TNCN 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp (DN) hỗ trợ người lao động (NLĐ) nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch.
Đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm cả NLĐ phải nghỉ việc luân phiên, không chỉ tại các DN mà đến cả các đơn vị sự nghiệp và các cơ sở kinh doanh khác...
31 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 57,5%, tức 17,6 triệu người bị giảm mạnh thu nhập, trong khi thuế TNCN đang có tốc độ tăng cao nhất trong các nguồn thu nội địa, hiện đã vượt 3.900 tỉ đồng so với năm ngoái.
Công nhân mất việc hàng loạt, thất nghiệp kỷ lục, sinh kế cả bằng việc góp nhặt từng xu lẻ, kể cả việc cắt giảm bữa ăn hằng ngày, trong khi thuế vẫn đánh 10% trên cả những khoản trợ cấp là một việc không nên, không đáng và không thuận tình.
Nhưng liệu chúng ta có nên máy móc cứng nhắc để đánh thuế cả trên những đồng tiền hỗ trợ thất nghiệp? Có nên lạnh lùng căng thước “quy định pháp luật” để tận thu những khoản mang tính cấp cứu cho những người lao động nghèo mất việc?
ĐÀO TUẤN (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-nen-khong-dang-va-khong-thuan-tinh-832881.ldo

Có thể bạn quan tâm