Tin tức

Khủng hoảng nợ đe dọa nhấn chìm Tây Ban Nha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

"Cơn bão tài chính" châu Âu từ Hy Lạp đang tiến rất gần tới Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ 4 trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và lớn thứ 5 trong Liên minh châu Âu (EU).

Theo các nhà phân tích, hiện Tây Ban Nha đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách và cán cân thương mại trầm trọng. Tuy nhiên, Madrid lại không có được lợi thế như Nhật Bản, quốc gia cũng đang mang nợ chồng chất, do Nhật Bản luôn trong tình trạng xuất siêu, vì vậy có thể trông chờ vào khoản tiết kiệm dồi dào của người dân để tài trợ các khoản chi tiêu của nhà nước. Hơn thế nữa, thông thường để giải quyết thâm hụt cán cân thương mại, một quốc gia có thể quyết định phá giá đồng tiền, nhưng đối với một nước thành viên Eurozone như Tây Ban Nha thì đó là điều bất khả thi.

Cho đến nay, giới quan sát vẫn đưa ra nhiều tranh cãi về nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng Tây Ban Nha, lý do Madrid vẫn từ chối kế hoạch trợ giúp của quốc tế và liệu châu Âu có đủ mạnh để cứu một nền kinh tế có trọng lượng như Tây Ban Nha hay không.

Phó Giám đốc Cơ quan tài chính B Capital, một chi nhánh của ngân hàng BNP Parisbas, bà Isabelle Enos cho rằng sự hỗ trợ của châu Âu sẽ rất có lợi cho Tây Ban Nha, song Chính quyền Madrid đang muốn chứng minh với cộng đồng quốc tế nỗ lực cải tổ và lành mạnh hóa tài chính công, đặc biệt là Chính phủ Tây Ban Nha muốn chủ động trong tiến trình cải tổ. Nếu Madrid vay tiền của châu Âu hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các định chế tài chính này sẽ đòi hỏi Tây Ban Nha những điều kiện ngặt nghèo, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho ngành ngân hàng, tư nhân và cho bản thân chính quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy.

Các nhà phân tích cho rằng chỉ riêng các kế hoạch giải cứu Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha - ba nước nhỏ trong Eurozone, đã lên tới hàng trăm tỷ euro. Nếu phải trợ giúp Tây Ban Nha, gói cứu trợ sẽ phải lớn hơn rất nhiều. EU và IMF sẽ phải huy động bao nhiêu để cứu "người khổng lồ" Tây Ban Nha, trong khi để huy động được 85 tỷ euro trợ giúp cho Ireland hay 292 tỷ euro cho Hy Lạp, các bên đã mất nhiều tháng để thương lượng và thuyết phục các thành viên trong "đại gia đình" châu Âu. Cho tới nay, cơ chế đóng góp cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu cũng như Cơ chế Bình ổn châu Âu để cứu những mắt xích yếu trong Eurozone vẫn là vấn đề gây tranh cãi lớn giữa các thành viên khu vực này.

Một yếu tố khác khiến Madrid tạm từ chối “lòng tốt” của EU và IMF vì thực tế Tây Ban Nha vẫn có khả năng bơm tiền, tiếp sức cho khu vực ngân hàng. Bởi lẽ tỷ lệ nợ công so với GDP của Tây Ban Nha là 68% vào cuối năm 2011 (dự đoán là 74% GDP vào cuối năm 2012), thấp hơn nhiều so với nhiều thành viên khác trong Eurozone, kể cả so với Pháp và Đức (tỷ lệ nợ công của Đức hiện nay là hơn 81% GDP).

Tại Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra ngày 18-5 vừa qua ở Mỹ, tân Tổng thống Pháp François Hollande và Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã nêu lên kịch bản huy động quốc tế hỗ trợ tài chính Tây Ban Nha, tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha đã từ chối hướng tới giải pháp này.

Trong khi đó, một số nhà phân tích đã loại trừ khả năng Tây Ban Nha có thể đơn phương thoát khỏi khủng hoảng, vì để cứu hệ thống ngân hàng cũng như một số tỉnh, vùng đang bị đe dọa vỡ nợ, chính quyền trung ương phải bơm thêm khoảng từ 75 đến 90 tỷ euro. Đây là một khoản tiền tương đương với 8% GDP toàn quốc. Trong bối cảnh kinh tế Tây Ban Nha đang tăng trưởng âm, để huy động được từ 75 đến 90 tỷ euro không phải là chuyện dễ. Bài học của Hy Lạp và Bồ Đào Nha cho thấy càng “chần chừ” thì bệnh càng nặng. Sự chậm trễ tìm thuốc điều trị chưa hẳn là thượng sách.

Lý giải nguyên nhân một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong Eurozone là Tây Ban Nha lại lâm vào tình trạng đen tối như hiện nay, giới phân tích cho rằng có thể tất cả bắt nguồn từ việc kinh tế nước này tập trung quá nhiều vào lĩnh vực nhà đất. Trong giai đoạn đầu những năm 2000, Tây Ban Nha từng được coi là một trong những quốc gia Eurozone có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vững chắc nhất với mức độ trung bình 3- 4%/năm. Thành tích đó có được chủ yếu nhờ vào khu vực địa ốc.

Vào giai đoạn cực thịnh, khối lượng nhà xây của Tây Ban Nha tương đương bằng cả 2 nước Pháp và Đức cộng lại, cho dù dân số nước này chỉ bằng 1/3 so với hai quốc gia đứng đầu châu Âu. Tuy nhiên, việc "bong bóng" địa ốc Tây Ban Nha nổ tung dẫn tới hậu quả là có tới hơn 1 triệu căn hộ xây dựng chưa bán được. Điều đáng lo ngại hơn là có tới 60% nợ khó đòi đang "chôn" trong khu vực địa ốc. Khủng hoảng địa ốc kéo hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiện các ngân hàng nước này đang "ngồi" trên một núi nợ 184 tỷ euro tiền tài trợ cho ngành xây dựng.

Giới phân tích cho rằng trong tình trạng "ảm đạm" với tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 25% hiện nay, tỷ lệ nợ công lên tới 74% vào cuối năm nay cũng như mức thâm hụt ngân sách tới 8% GDP, Tây Ban Nha khó có thể thoát khỏi "cơn bão" tài chính đang hoành hành tại châu Âu.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm