Tin tức

Kim cương 'hòa bình' bán giá 6,5 triệu USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một trong những viên kim cương lớn nhất thế giới mới đây đã được bán với giá 6,5 triệu USD.
Viên kim cương “hòa bình”
Theo CNN, lý do khiến viên kim cương này được gọi là kim cương “hòa bình” vì phần lớn số tiền thu được sẽ dùng để giúp ngôi làng Koryardu ở Sierra Leone, một quốc gia nằm ở Tây Phi, nơi viên kim cương được tìm thấy.
Trong những thập niên qua, số tiền từ việc buôn bán bất hợp pháp kim cương thường được sử dụng để tài trợ cho các cuộc nội chiến và xung đột tại các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, thay vì bán viên kim cương hòa bình cho các kẻ buôn lậu, dân làng Koryardu đã tìm cách thu hút sự chú ý của chính phủ Sierra Leone để tổ chức một cuộc bán đấu giá. Laurence Graff, một trong những nhà kinh doanh trang sức lớn nhất thế giới, đã thắng thầu trong phiên đấu giá tại New York hôm 4-12.
Mặc dù 6,5 triệu USD không phải là số tiền nhỏ, nhưng mức giá này vẫn không đạt được kỳ vọng của chính phủ Sierra Leone. Tháng 5.2017, chính phủ nước này từ chối mức giá 7,8 triệu USD trong một buổi đấu giá tại Siera Leone, nói rằng viên kim cương nặng 709 carat có thể đạt “mức giá hợp lý hơn” ở những nơi khác.
Theo tổ chức trang sức Rapaport, kim cương hòa bình là viên kim cương lớn thứ ba được tìm thấy trong lịch sử quốc gia Tây Phi và là viên kim cương lớn thứ 14 trên thế giới. “Trong quá khứ các viên kim cương có kích thước tương tự đã được bán với giá cao hơn gấp 10 lần. Ví dụ, viên kim cương “Chòm sao” 813 carat đã thu về 63 triệu USD hồi năm ngoái”, Tobias Kormind, giám đốc điều hành của 77Diamonds.com, cho biết.
Vậy câu hỏi được đặt ra là tại sao kim cương hòa bình lại không thể có giá cao hơn? Ông Kormind đã trả lời câu hỏi này của CNN qua email rằng, kim cương hòa bình là “một viên đá rất phức tạp và nó có thể không hấp dẫn như kích thước bên ngoài mà mọi người thấy. Thay vì là khối kim cương thô duy nhất có chất lượng cao, viên kim cương này đã được xử lý và kích thước của nó bị biến đổi thông qua quá trình cắt và đánh bóng. Điều này khiến giá trị giảm đi đáng kể”, ông Kormind giải thích.
Song, dù khá thất vọng về số tiền từ đợt bán đấu giá, nhưng kim cương hòa bình vẫn là một ví dụ tích cực về kết quả thu được nếu các viên đá quý được bán thông qua những kênh chính thức, hợp pháp. Đầu năm nay, Tổng thống Sierra Leone, ông Ernest Koroma, nói ông muốn “cảm ơn lãnh đạo địa phương và người dân vì đã không buôn lậu viên kim cương này ra khỏi đất nước”.
Theo Rapaport, hơn một nửa số tiền từ việc bán viên kim cương sẽ được chuyển vào quỹ chính phủ để cải thiện “cơ sở hạ tầng cho thợ mỏ và những cộng đồng đang phải chịu cảnh không có nước sạch, điện, cơ sở y tế, trường học và đường sá”. Khoảng một phần tư sẽ được chuyển cho những người đã tìm thấy viên kim cương, phần còn lại được sử dụng cho Quỹ Phát triển Cộng đồng Khu vực Kim cương của chính phủ.
Phương Anh (Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm