Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Làm giàu nhờ nghĩ khác, mê lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tự mày mò, nghiên cứu và trải qua không ít lần thất bại, nhiều nông dân ở ĐBSCL không chỉ làm giàu trên mảnh đất của mình mà còn nhân rộng mô hình mới ra cộng đồng.



Đến ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, hỏi thăm đường về nhà ông Nguyễn Văn Hương - thành viên "Nghĩa Nhân Hội quán" - ai cũng biết. Ông Hương là người đầu tiên mang giống lúa tím sữa về trồng tại vùng biên giới này.

Lúa tím sữa, gạo "Nghĩa Nhân"

Hỏi về cơ duyên đến với giống lúa tím sữa, ông Hương tâm sự: "Tôi được trời phú cho sức khỏe tốt để làm nông nghiệp. Song, qua nhiều năm làm lúa theo phương thức cũ, tôi cảm thấy sức khỏe có phần bị ảnh hưởng, có thể là do tiếp xúc nhiều với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Vì vậy, tôi muốn làm lúa theo kiểu khác".


 

Người dân tham quan khu vực trồng lúa tím sữa của ông Nguyễn Văn Hương. Ảnh: TÂM MINH
Người dân tham quan khu vực trồng lúa tím sữa của ông Nguyễn Văn Hương. Ảnh: TÂM MINH


Với suy nghĩ này, ông chọn hướng sản xuất lúa gạo không sử dụng thuốc và các chất hóa học, vậy nên giống lúa tím sữa là "ứng cử viên" hàng đầu. Ông tự lên mạng mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính sinh trưởng của giống lúa này.

 

Ông Trần Văn Tiếp với giống dưa hấu tí hon Pepino. Ảnh: TÂM MINH
Ông Trần Văn Tiếp với giống dưa hấu tí hon Pepino. Ảnh: TÂM MINH



Khi mới bắt đầu canh tác, do thời tiết vùng biên giới Tân Hồng khá khắc nghiệt nên lúa tím sữa ít trổ bông, năng suất kém. Không nản chí, ông tiếp tục nghiên cứu và rút tỉa kinh nghiệm. Trong vụ thu đông 2018, để cải thiện và chủ động nguồn giống, ông chọn những cây lúa to khỏe, đồng đều rồi nhân rộng diện tích trồng lên gần 4 ha. Đến vụ đông xuân 2018-2019, nguồn giống đã được ông thuần chủng nên thích ứng tốt với thổ nhưỡng, cây lúa phát triển mạnh, cho năng suất cao.

Để cây lúa chống được sâu bệnh, khác với giống lúa thường, lúa tím sữa không được sử dụng phân và thuốc hóa học mà phải sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học... Ngoài ra, phải áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật trồng, tuân thủ biện pháp canh tác.

Tuy nhiên, theo ông Hương, ban đầu, khi đem gạo tím bán ra thị trường thì gặp khó khăn vì ít người biết đến. Không những vậy, nhiều người còn lo ngại, cho rằng lúa bị tẩm màu. Để tạo niềm tin cho khách hàng, những người đến mua gạo đều được ông cho dùng thử, thấy ngon rồi đặt hàng và giới thiệu bạn bè đến mua.

Để thuyết phục người dùng, ông Hương mang gạo đi kiểm tra chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng rồi giới thiệu kết quả trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... Nhờ cách làm này, gạo tím sữa dần tạo được uy tín, sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến.

Để tạo giá trị bền vững, ông Hương quyết định đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là gạo "Nghĩa Nhân". Loại gạo này khi nấu có hương thơm dịu, mềm, ngọt, để nguội vẫn dẻo và lâu thiu. Gạo có thể dùng nấu cơm, rang vàng xay làm trà hoặc xay thành bột làm sữa gạo.

Trong quá trình sản xuất lúa tím sữa theo hướng sạch, ông Hương đã kêu gọi nhiều nông dân sinh hoạt tại "Nghĩa Nhân Hội quán" cùng tham gia mô hình. Đến nay đã có 6 nông dân tham gia với diện tích hơn 12 ha. Trong vụ đông xuân 2018-2019, dù thị trường lúa gạo gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ và giá cả nhưng sản phẩm lúa tím sữa vẫn bán được giá thông qua việc ký hợp đồng với Công ty CP Nông trang Tràm Chim, thu mua 20 tấn.

"Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi đã đăng ký và trong tháng 9-2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Gạo "Nghĩa Nhân" - ông Hương tiết lộ.

Đưa giống lạ về xứ hoa

Là một người đam mê hoa kiểng màu tím, ông Trần Văn Tiếp (ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã mang nhiều giống hoa kiểng "độc", lạ về xứ hoa Sa Đéc. Một trong những loại cây được nhiều người biết đến là giống dưa hấu tí hon Nam Mỹ (Pepino).

Dưa hấu Pepino là loài cho trái đẹp với đặc tính lạ. Khi nhỏ, chúng có màu xanh, khoảng 20 ngày sau chuyển sang màu trắng rồi vàng kèm theo các sọc tím rất đẹp mắt và định hình dưa hấu tí hon. Với đặc điểm như vậy, ngay từ lần đầu tiên biết đến, giống cây này đã thu hút ông Tiếp và ông không ngần ngại đặt mua hạt giống ở tận Nga với giá 40.000 đồng/hạt.

Tuy nhiên, lần trồng thử nghiệm đầu, ông thất bại bởi loại dưa này chỉ thích hợp với khí hậu lạnh. Không từ bỏ, ông tìm hiểu nguồn cung cấp hạt giống từ Nam Mỹ với hy vọng sẽ thành công hơn do ở đây có nhiều đặc điểm tương đồng với khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam. Ông lên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để tìm cây giống này và phát hiện một nông dân đang canh tác thành công. Không bỏ qua cơ hội, ông nhanh chóng tiếp cận cách trồng, chăm sóc của người đi trước kết hợp với kiến thức sẵn có của mình và đã thành công.

"Đây được xem là bước ngoặt trong nghề của tôi. Vậy là sau các loại hoa kiểng chịu lạnh ở Đà Lạt đã được trồng ngon lành ở Sa Đéc thì đến lượt dưa hấu Nam Mỹ xuất hiện và phát triển rất tốt trên đất làng hoa này" - ông Tiếp phấn khởi nói.

Hiện ông Tiếp trồng trên 400 giỏ dưa Pepino Nam Mỹ phục vụ khách hàng với giá bán từ 250.000 - 300.000 đồng/chậu. Ngoài việc bán dưa theo dạng cây kiểng, ông còn cung cấp giống với giá 50.000 đồng/cây.




 

Trồng mãng cầu xiêm bằng hạt

Ông Võ Văn Phải (ngụ xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) sau thời gian mày mò, học hỏi kinh nghiệm đã trồng thành công cây mãng cầu xiêm bằng hạt trên vùng đất nhiễm phèn, thay vì chiết cành như trước nay. Ông Phải trồng mãng cầu xiêm trên 0,5 ha đất, sau 2 năm, cây bắt đầu cho trái. Với giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường 30 tấn trái, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình của ông Võ Văn Phải, nhiều nông dân ở Phụng Hiệp đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp kém hiệu quả để trồng mãng cầu xiêm bằng hạt. Đến nay, diện tích trồng mãng cầu xiêm của huyện đã lên hơn 100 ha. Từ đó, ông Phải đứng ra thành lập HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ để cùng các thành viên khác làm giàu từ mô hình này.

TÂM MINH - TRƯỜNG HUY (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm