(GLO)- Theo một nghiên cứu của công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền WorldRemit, chi tiêu của các gia đình trên thế giới dịp lễ Giáng sinh năm nay được dự đoán sẽ ở mức tương đương tới 156% thu nhập hằng tháng.
Một gian hàng đồ lưu niệm tại chợ Central de Abasto-Mexico. Ảnh: TTXVN |
Nghiên cứu tính chi phí trung bình một bữa ăn Giáng sinh cao hơn 50% trong năm nay, do giá thực phẩm leo thang. Giám đốc WorldRemit khu vực Mỹ Latinh- ông Jorge Godinez- cho biết chi phí nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát trong cả năm 2022, cộng với việc các ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất và chi phí nhập khẩu tăng.
Trong báo cáo công bố vào tháng trước, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe thuộc Liên hợp quốc (ECLAC) cảnh báo chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở Mỹ Latinh có nguy cơ đẩy thêm 7,8 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực, đưa tổng số người thuộc diện này lên 94,2 triệu người.
Lạm phát cũng đã ảnh hưởng đến các hộ gia đình ở các quốc gia giàu có hơn. Tháng 5 vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố số liệu cho thấy 40% dân số ở 11 quốc gia phát triển ở Mỹ Latinh đang gặp khó khăn về tài chính.
Ở Mexico, WorldRemit ước tính các gia đình chi tiêu đến 206% thu nhập hằng tháng cho bữa tối Giáng sinh, quà tặng và đồ trang trí.
Tại Colombia, lạm phát trong tháng 11 đã tăng lên tới 12,53%, chi phí thực phẩm, đồ uống và vận chuyển chịu ảnh hưởng lớn nhất. Lạm phát buộc nhiều gia đình phải tiết kiệm chi tiêu và nói "Không" với những món ăn đắt đỏ có tính truyền thống đêm Giáng sinh. Theo WorldRemit, các gia đình Colombia chi 73% thu nhập hằng tháng của họ trong lễ Giáng sinh.
Tại Brazil, năm 2022 chứng kiến lạm phát chạm mức cao nhất trong 26 năm qua. Điều này có nghĩa chi phí thực phẩm dịp Giáng sinh tăng 9,8% đối với các thực phẩm truyền thống như gà tây, giăm bông và rượu vang sủi.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố từ tháng 11 cho thấy giá của những nhóm hàng hoá và dịch vụ chủ chốt như giá thuê nhà đều tăng ít hơn dự báo. Đặc biệt, giá ô tô đã qua sử dụng - một “thủ phạm” khiến lạm phát tăng mạnh trong đại dịch Covid-19 - giảm 2,4%. Giá vé máy bay, dịch vụ y tế và hàng may mặc đều giảm.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng vọt kể từ đầu năm 2021 khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thậm chí khiến các chuỗi cung bị đứt gãy và chính sự mất cân bằng cung cầu đã tạo áp lực khiến giá cả tăng cao, chưa kể các nguyên nhân khác.
Theo Reuters, tỷ lệ lạm phát của Mỹ hồi những tháng đầu năm đều ở mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12-1981. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự kiến giá tiêu dùng trong năm nay tăng 4% so với năm 2021, nhưng sẽ giảm dần khi FED tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
T.S (TTXVN, Quân đội nhân dân điện tử,vneconomy.vn )