Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Lối mòn phủ rêu xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi còn bé xíu, tôi đã theo mẹ ra vườn cao su. Là đi theo để mẹ có người làm bạn vậy thôi chứ chẳng giúp được gì cả. Thế nhưng, mẹ rất vui mỗi khi có tôi đi cùng. Rồi lớn thêm một chút, tôi biết gỡ mủ tạp, bóc mủ máng… quanh quẩn giúp mẹ những việc nhỏ. Khi trưởng thành, tôi biết phụ mẹ đi cạo mủ. Tôi thấy mình lớn hẳn khi nghe mẹ gọi là “cô công nhân nhỏ đáng yêu của mẹ”.

Thời gian này, những vườn cao su trên địa bàn xã tôi bắt đầu cạo phá để thành phố quy hoạch thành khu dân cư. Chẳng còn ai chấm điểm kỹ thuật từng đường dao, cũng chẳng ai lo sẽ bị giảm sản lượng cho năm sau nữa. Tuổi thơ tôi đi cùng những mùa cao su thay lá.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Tôi nhớ, vườn cây tán lá đan dày, xanh um giữa màu trời bàng bạc mùa mưa. Nhớ những ngày trời chưa kịp hửng nắng, tôi đã ngồi trên chiếc xe đạp lọc cọc theo phụ mẹ. Con đường mùa nắng hanh khô dễ đi là thế, đến khi mưa lại phủ màu rêu xanh, trơn trượt nên lúc nào tôi cũng vừa đi vừa gồng mình căng cứng vì sợ ngã. Mẹ thường dặn phải đi cẩn thận. Giây trước vừa nói xong giây sau đã nghe tôi ngã cái uỵch. Bộ đồ đã bám dày lớp mủ cao su chẳng buồn thấm nước, bám đất. Thì nhiều cũng thành quen, ngã xuống lại đứng lên, ai mà chẳng phải lớn.

Tôi nhớ như in lần đầu tiên ngã xe trên con đường phủ rêu xanh ấy. Lồm cồm bò dậy, không dám khóc, mặt tái đi vì giật mình. Mẹ sốt sắng dừng xe chạy đến, hỏi han lo lắng đủ điều. Dẫu cho tôi liên tục lắc đầu nói không sao thì cũng chẳng làm mẹ thấy yên tâm. Mẹ phải dừng lại hỏi thật lâu, nhìn tôi xoay mấy vòng kiểm tra xem có bị xước tay chân ở đâu không rồi mới đi tiếp. Rưng rức thương những lúc mẹ cố ngoảnh lại xem tôi có ổn không. Hóa ra, những dấu chân chim hằn trên đôi mắt mẹ đã bắt đầu xuất hiện từ những lo âu nhỏ nhoi như thế.

Dần dần, tôi đã biết trấn an mẹ sau mỗi lần ngã bằng một nụ cười tươi. Con người ta đi qua nhiều lần rồi sẽ quen, sẽ biết tự tránh chỗ này chỗ kia để bản thân khỏi chịu đau, chịu vấp. Và rồi, những con đường chạy giữa vườn cao su không còn khiến tôi căng cứng gồng mình mỗi lần đi làm phụ mẹ nữa, chỉ còn những ngày mưa hai mẹ con đạp xe thật vội để trở về nhà ủ ấm mà thôi. Thời gian dần trôi, mẹ đổi chiếc xe đạp cọc cạch để đi làm bằng chiếc cub mua cũ.

Bây giờ, tôi lại phải thót tim ngồi sau để mẹ chở đi băng băng trên những lối cũ vào lô. Mỗi mùa mưa đường trơn lại ngã xe, chẳng riêng tôi mà cả mẹ và mấy thùng mủ trắng đều lăn cù cù ra đất. Bao giờ cũng thế, mẹ vội vã xem tôi có ổn không, rồi mới vội vàng đỡ thùng mủ đã đổ tràn trắng xóa ra đất. Lấy tay chụm lại cố hốt những vốc mủ chảy loang cũng chẳng được gì. Hôm ấy coi như công cốc. Tôi xót nhiều bận mẹ trở về nhà nét mặt buồn hiu, những vết chân chim hình như hằn sâu thêm. Đứa trẻ là tôi bắt đầu hiểu chuyện từ đôi lần thấy mẹ bất lực nhìn dòng mủ trắng chảy tràn trên nền đất. Mấy bận trời đổ mưa lại trôi theo dòng nước, không giữ lại được một chút gì. Đời mẹ lo toan nhiều quá, tôi thì chỉ biết lo những con đường trơn trượt những ngày thiếu nắng hong khô.

Thế rồi, năm tháng dần qua, những hàng cây cao su cũng ngày một ít. Giờ đây, mỗi lần đi ngang khu vườn cũ, mẹ thường nhắc lại chuyện xưa, hỏi tôi có còn nhớ không. Tôi cười bảo, con nhớ. Tôi vẫn nhớ hết thảy năm tháng xưa, nhớ những con đường phủ rêu cùng dáng mẹ.

Có thể bạn quan tâm