Thời sự - Bình luận

Lòng nghĩa hiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc xả thân cứu người trong lúc hiểm nguy như là bản năng, là sản phẩm giáo dục thành văn và cả bất thành văn thông qua việc làm của những người xung quanh; qua thông tin, hình ảnh “người hùng” mà ta biết đến, gọi chung là lòng nghĩa hiệp, thuộc về nhân tính. 

Người làm việc nghĩa hiệp quả thật rất đáng kính trọng, cả xã hội ghi nhận công lao, là nét đẹp thuộc về mục tiêu chân-thiện-mỹ của con người, ở mọi thời kỳ. Làm việc nghĩa hiệp khiến tâm hồn thoải mái, tự tin yêu đời, yêu mình mà chẳng đợi người chịu ơn mang ơn; được lưu tên ghi sổ, bia đá bảng vàng…

Thực tế hiện nay, rất nhiều người bất chấp hiểm nguy, đến mức quên mình để làm việc nghĩa hiệp. Kỳ thực, câu hỏi “vì đâu” được trả lời bởi tính mệnh của người cần được cứu giúp trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi sự bình yên của cộng đồng, trong đó có chính ta. Khi đối diện với tình huống cần được/phải ra tay giúp đỡ thì giúp đỡ, theo khả năng, hết lòng.

Đó là câu chuyện về chàng trai 20 tuổi Trần Văn Tròn vượt sóng dữ cứu sống 3 trong số 4 em học sinh bị đuối nước tại bãi biển thuộc khối phố Hà Quảng Đông (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ghi nhận nghĩa cử này, Tỉnh Đoàn Quảng Nam đã trao tặng bằng khen về hành động cứu người, đồng thời phát động phong trào “Hãy là những tấm gương sáng” nhân Tháng Thanh niên 2021.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh kịp trèo lên mái che sảnh tầng 1 hứng đỡ bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: TTXVN

Mới đây, anh Nguyễn Ngọc Mạnh-tài xế xe tải đã không màng đến nguy hiểm, dũng cảm cứu cháu N.P.H. (SN 2018) rơi từ lan can tầng 12 của chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuống. Trước hành động này, nhiều người gọi anh là người hùng, là hiệp sĩ.

Nghĩa cử này được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng bằng khen, Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư khen ngợi. Trong thư có đoạn: “Đây là hành động rất nhân văn và dũng cảm của anh khi đã không nghĩ đến nguy hiểm của bản thân vì sự an nguy của cháu bé, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta, của Thủ đô Hà Nội và quê hương Đông Anh văn hiến, anh hùng”.

Tại Gia Lai cũng không thiếu những tấm lòng nghĩa hiệp, trong đó có trường hợp hy sinh trong lúc cứu người như chiến sĩ Công an Bùi Minh Quý ở Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực thị xã An Khê. Gần đây nhất, vào khoảng 10 giờ ngày 11-2 (tức ngày 30 Tết), anh Nguyễn Ngọc Thủy (SN 1990, trú tại tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đã âm thầm bám đuổi, khống chế và tóm gọn 1 trong 2 đối tượng đi xe máy cướp giật túi xách của chị Nguyễn Thị Thủy (trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku). Việc làm của anh Thủy đã được Chủ tịch UBND TP. Pleiku tặng giấy khen, được nhiều người vinh danh: “Lục Vân Tiên” giữa đời thường!

Khi mà xã hội vẫn còn tồn tại những điều xấu, kẻ ác, lừa đảo, cướp bóc, tham nhũng, thói vô cảm thì hành động của các anh đã làm sáng lên niềm tin về cái đẹp, về tinh thần nghĩa hiệp và lòng tốt trong cộng đồng.

Trong thời đại 4.0, thông tin về việc làm nghĩa hiệp lan tỏa rất nhanh. Việc làm nghĩa hiệp giúp mọi người sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn, tỏ thái độ của mình đối với nhân sinh xã hội. Thái độ ấy không chỉ của bản thân mà còn góp phần bày tỏ suy nghĩ, định hướng hành động cho nhiều người, của nhân loại, vì nó thuộc về nhân tính. Đã là nhân tính thì nên gìn giữ, không ngừng trui rèn.

Sở dĩ chúng ta vinh danh người tốt, cảm phục người tốt, xúc động trước những hành động đẹp của họ là bởi tính thiện trong ta đang động thức, mong có dịp được tỏ bày, khẳng định. Trong lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay có biết bao nhiêu tấm gương nghĩa hiệp, hữu danh và vô danh đều là ánh sáng rực rỡ tuy có hình thái và cấp độ khác nhau, đều giúp cho chúng ta soi chiếu mình bằng việc làm hữu ích bản thân, gia đình và cộng đồng.

NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm