Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mai rời xa, chắc nhớ lắm nơi này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đời người là những chuyến đi. Nghĩ đến ngày nghỉ hưu, về quê tìm chốn an yên tuổi già, chắc là tôi sẽ nhớ lắm Gia Lai.

1. Biết làm sao thoát ra được nỗi ám ảnh trên chuyến xe đò nén chật người, mui chất đầy hàng hóa, gia súc, gia cầm… ì ạch vượt đèo, lượn dốc, ôm cua khó nhọc nhả khói đen sì trong tiếng động cơ gầm ghì mà vẫn không át được những hơi thở nén dồn, gương mặt lo lắng của bao hành khách trên chuyến xe lần đầu tôi đến với Gia Lai.

Nhưng ngoài kia, qua khe cửa hẹp gió lùa, mưa giăng mắc, tôi thấy điệp trùng xanh, thăm thẳm xanh của núi, của rừng, của vườn rẫy. Chậm trôi qua tầm mắt, xa xa, những ngôi nhà nhỏ nằm chông chênh trên nền đất nghiêng nghiêng, trập trùng mà sau này tôi mới biết đó là nhà rẫy. Một Tây Nguyên xanh, hoang sơ, hùng vĩ… từ trang sách đã đọc, lời kể được nghe, định hình trong trí tưởng tượng phần nào hiện ra trước mắt.

Là cảm giác khá mạnh khi ngồi sau xe đạp thồ chừng như không phanh trôi xuôi con dốc Diệp Kính từ Bến xe liên tỉnh. Mắt chỉ dám khép hờ mặc cho gió mưa va đập, nhà hai bên đường võng chùng xô vào gió, ngã vào mưa. Đó là ấn tượng lần đầu tôi đến với phố núi Pleiku!

Là cảm nhận về mưa. Mưa như trút nước, như muốn loại bỏ, cuốn trôi những gì vướng đọng. Mưa nối ngày vào đêm, tưởng như không gian và thời gian được lượng hóa bởi mưa. Mà lạ thay, chỉ một lúc nắng lên tất thảy đã thay đổi bằng gương mặt tinh khôi, rạng ngời bởi màu xanh của đất. Mùa mưa cũng là mùa cây trái chín với sắc hương và vị vượt trội so với cùng loại được chăm trồng từ miền đất khác.

Đường đến Ngã ba Hàm Rồng, TP. Pleiku. Ảnh: Internet

Tôi tưởng mình lạc vào “động hoa vàng” dẫu mấy lần đưa tay dụi mắt để không tự huyễn rằng mình là chàng nho sinh Từ Thức. Ôi cái sắc vàng của dã quỳ ngờm ngợp trùm phủ núi Hàm Rồng, dọc dài các cung đường dẫn vào, tỏa ra quanh núi đã đi vào thơ, vào nhạc, vào cảm thức không thành lời đâu chỉ dành riêng cho giới nghệ sĩ. Tôi tưởng như bị vây bọc, lạc bước vào một thế giới khác, dẫu chẳng có bướm vàng dẫn lối hay thấp thoáng dáng xa sơn nữ chân trần.

Tôi sẽ nhớ lắm mùa nắng gió hiện hữu trên tóc trẻ con ở làng màu râu bắp, tóc người già rối bù cùng làn da đen sậm. Đi ngang qua mùa khô đất bazan bong tróc, tơi ra thành bột mịn theo gió thốc mà mịt mù bụi cho không gian đỏ nhờ, cảnh vật lấm lem.

2. Sẽ nhớ lắm làng Jrai, Bahnar đã từng qua đêm trong những ngôi nhà sàn không liếp ngăn, có góc bếp dù vùi than giữ hơi ấm hay bập bùng ngọn lửa đều tìm thấy hình ảnh người bà, người mẹ, người chị tảo tần, nhẫn nại gìn giữ nếp nhà. Làm sao tôi dám quên ghè rượu sóng sánh nước, chuyền tay nhau vít cần đứt chân cang mỗi khi về làng không là khách của riêng ai mà là khách của làng.

Đọng mãi trong tôi có một Gia Lai mùa lễ hội gắn với vòng đời để chia vui, sớt buồn của các tộc người sinh sống tại chỗ lâu đời. Trong giấc mơ hay trằn trọc đêm dài sẽ ngân rung âm vang cồng chiêng, có vòng xoang mở rộng, chập chờn sắc áo thổ cẩm, chập chờn nhà rông quanh ánh lửa bập bùng.

Bạn bè tôi, nhiều gương mặt thân thương, còn giữ lại cho nhau hồn hậu tình người đi qua thời gian. Trân quý biết bao khi một mai kia nhận được lời thăm hỏi, dặn dò, vấn an hay bất ngờ ghé thăm sau thời gian xa cách. Và khi đó, nỗi nhớ Gia Lai sẽ lắng lại, thật gần, dịu êm.

Có thể bạn quan tâm