Tin tức

Moon Jae In: Hành trình từ lính đặc nhiệm tới tổng thống Hàn Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống đắc cử Moon Jae In vốn là thành viên đặc nhiệm Hàn Quốc, có mối quan hệ thân thiết với cố lãnh đạo Roh Moo Hyun và từng để thua bà Park Geun Hye trong mùa bầu cử năm 2012.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sinh năm 1953, xuất thân từ một gia đình Triều Tiên tị nạn và sống tại thành phố Geoje, tỉnh Nam Gyeongsang. Ông và 4 anh chị em lớn lên khi gia đình còn rất nghèo, đôi lúc ông phải xếp hàng nhận đồ cứu trợ do nhà thờ phân phát. Ông thậm chí từng bị đuổi khỏi trường vì không có tiền đóng học phí, theo Straits Times.

 
Moon Jae-in từng phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc hồi thập niên 1970. Ảnh: MOON JAE IN / INSTAGRAM.


Dù cuộc sống khó khăn, cậu thanh niên Moon cố gắng học tập chăm chỉ và thi đậu ngành luật của trường Đại học Kyunghee vào năm 1972. Tại trường đại học, ông trở thành một nhà hoạt động và bị bắt vì tổ chức cuộc phản đối chống lại chính sách độc tài của cựu Tổng thống Park Chung Hee, cha của bà Park Geun Hye.

Dù bị giam giữ, ông Moon vẫn học tập và vượt qua kỳ thì luật vào năm 1980. Sau đó, ông trở thành luật sư và là bạn thân của tổng thống thứ 16 của Hàn Quốc Roh Moo Hyun.

Khi còn trong biên chế lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc hồi thập niên 1970, ông Moon đã tỏ ra nổi bật. Cựu binh Roh Chang Nam, người từng chỉ huy đơn vị của Moon, mô tả ông trông thư sinh hơn các đồng đội và rất thích ngắm hoa dại. Trong quá trình tranh cử, Moon thường coi xuất thân cựu đặc nhiệm Hàn Quốc là "đòn bẩy" để nâng cao hình ảnh, cho thấy ông là một người nắm rất rõ các vấn đề an ninh quốc gia.

Dù không có ý định tham gia chính trường, song ông Moon được chọn làm cố vấn quan trọng của Roh Moo Hyun, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2003. Tuy nhiên, ông Moon “chưa bao giờ cảm thấy thoải mái” ở Nhà Xanh khi là trợ lý hàng đầu của tổng thống Roh, theo Reuters.

Năm 2004, ông nghỉ việc và đi bộ dài ngày ở dãy Himalaya. Trở lại văn phòng tổng thống một tháng sau đó, ông Moon, người theo chủ nghĩa lý tưởng tự do, nói rằng ông luôn cảm thấy không thoải mái.

 

Ông Moon Jae-In (bên trái, đeo kính) nâng di ảnh bạn-Tổng thống Roh Moo Hyun.ngày 23-5-2009. Ảnh: AP.


Dù vậy, ông Moon được coi là "cánh tay phải đáng tin cậy" khi tự đứng ra tổ chức lễ tang cho người bạn Roh khi cựu tổng thống tự sát năm 2009 vì bê bối tham nhũng.

Cuối năm 2011, ông Moon gia nhập đảng Dân chủ đối lập để tiếp tục công việc của người bạn quá cố.

“(Roh) thực sự đã định hình nên cuộc đời tôi. Cuộc sống của tôi sẽ thay đổi rất nhiều nếu tôi không gặp anh ấy. Anh ấy chính là vận mệnh của tôi ", ông Moon viết trong cuốn hồi ký ăn khách mang tên Moon Jae In - The Destiny.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, ông Moon đã thua chính cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun Hye chỉ 3,6 điểm phần trăm.

Muốn đối thoại với Triều Tiên

Trong cương lĩnh tranh cử, ông Moon cam kết cải tổ lại hệ thống chính trị, cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên và xây dựng một đất nước quyết đoán hơn, ít phụ thuộc vào các đồng minh an ninh như Mỹ. Ông cũng dự định xem xét lại việc triển khai lá chắn tên lửa Mỹ, vốn đang tạo sóng gió trong quan hệ Hàn - Trung.

Đối với tổng thống đắc cử, vấn đề Triều Tiên không đơn thuần là vấn đề chính trị, mà còn mang đậm tính cá nhân. Bố mẹ ông Moon rời khỏi miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên trên một tàu chiến của Mỹ.

 

Ông Moon và mẹ (áo hồng)hội ngộ với người dì từ Triều Tiên tại khu nghỉ mát Mount Kumgang cua Hàn Quốc trong chương trình đoàn tụ tháng 7-2004. Ảnh: Getty/AFP.


Năm 2004, khi phục vụ trong chính quyền tổng thống Roh - giai đoạn Hàn Quốc tìm kiếm sự kết nối với miền Bắc -, ông Moon cùng mẹ đã đoàn tụ với gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh và gặp người cô lần đầu tiên trong 50 năm xa cách.

"Mẹ tôi giờ 90 tuổi, thời gian trôi đi, nhưng em gái của bà vẫn ở miền Bắc. Mong muốn cuối cùng của mẹ tôi là gặp lại bà ấy", ông Moon nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí TIME.

Ông tuyên bố ủng hộ thống nhất hai miền, để người dân ở miền Bắc "sẽ không còn phải chịu đựng thêm nữa".

Một số nhà quan sát chính trị lo ngại, ông Moon sẽ quá mềm mỏng trước lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và đụng độ với cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn với tờ Washington Post, Moon khẳng định mục tiêu của ông trong vấn đề Triều Tiên phù hợp với quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ. "Tổng thống Trump sử dụng lời lẽ cứng rắn trước Triều Tiên, nhưng cũng nói có thể đối thoại với ông Kim Jong Un. Tôi đồng tình với cách tiếp cận thực tiễn đó nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên", ông nói.

Theo Đời sống & Pháp lý

Có thể bạn quan tâm