Tin tức

Một số mẫu cá ở Fukusima nhiễm phóng xạ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khoa học cho rằng, việc nồng độ phóng xạ của một số mẫu cá ở  Fukusima vẫn ở mức khá cao là điều bất thường.
 

 

Cá nhiễm phóng xạ vẫn xuất hiện ở ngoài khơi Fukushima (Nhật Bản) dù đã qua hơn 20 tháng sau sự cố của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Fukushima Daiichi) tháng 3-2011. Một số nhà khoa học lo ngại có thể vẫn còn nguồn rò rỉ phóng xạ ở Fukushima trong khi Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cấm đánh bắt cá tại đây, gây ảnh hưởng lớn đến ngư nghiệp của vùng này.

Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản ngày 19-11 cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu cá lấy tháng trước ở ngoài khơi Fukushima cho thấy, nồng độ phóng xạ của hầu hết các loại cá ở đây đã đạt tiêu chuẩn an toàn của nước này, tức là dưới 100 Bequerel cho 1 kg Caesium-137, Caesium-134. Tuy nhiên, một số loài sống ở gần đáy đại dương như cá tuyết, cá bơn và cá bơn lưỡi ngựa vẫn có mức phóng xạ cao hơn tiêu chuẩn an toàn.

Các nhà khoa học tại Viện hải dượng học Woods Hole của Mỹ cho rằng, việc nồng độ phóng xạ của một số mẫu cá ở  Fukusima vẫn ở mức khá cao là điều bất thường. Bởi theo lý thuyết, Xedi hay Kali đều có trong muối biển, vì vậy mức độ Xedi trong cá sẽ nhanh chóng giảm trong vài ngày và có thể biến mất trong vài tháng.



Chuyên gia lâu năm về hóa học đại dương và địa hóa học của Viện hải dương học Woods Hole, ông Ken Buesseler nhận định: “Chắc hẳn phải có một nguồn phóng xạ nào đó. Chính phủ Nhật Bản đã làm nguội các lò phản ứng một cách nhanh chóng bằng nước biển, và một lượng nước nhiễm xạ đã bị rò rỉ trở lại đại dương. Có thể họ đã không kiểm soát được hết lượng nước đã sử dụng để làm mát các lò phản ứng”.

Là nhà địa hóa học nổi tiếng với nghiên cứu về phóng xạ bị rò rỉ ở Biển Đen sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, phỏng đoán của ông Buesseler đã làm nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Buesseler số 1 đã bác bỏ nhận định rằng vẫn còn phóng xạ tiếp tục rò rỉ ra đại dương.

Trong khi đó, các chuyên gia của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản cho rằng, dù còn ở mức cao song nồng độ phóng xạ ở các loại cá sống gần đáy đại dương vẫn đang giảm dần. Các chuyên gia cho biết, từ tháng 3 năm ngoái đến năm nay, có khoảng 40% loài cá sống gần đáy đại dương có nồng độ phóng xạ vượt mức an toàn, nhưng con số này đã giảm xuống 10% trong tháng trước.

Ông Koichi Tahara, Trợ lý giám đốc Cơ quan nghiên cứu ngư nghiệp của Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng, lượng Xedi đang thấm dần vào thềm đại dương, và khi đó, nó sẽ khó có thể bị hấp thụ lại vào cơ thể các sinh vật sống ở tầng đáy. Nó chắc chắn sẽ đi theo chiều hướng này nhưng không phải xảy ra ngay tức khắc mà chỉ thấm dần từng chút một, vì thế vẫn còn một lượng Xedi tồn tại trong chuỗi thức ăn của các loài sinh vật ở khu vực biển này”.

Mặc dù vậy, Công ty điện lực Tokyo thừa nhận nồng độ phóng xạ ở một số loại cá ở khu vực biển quanh Fukushima còn khá cao, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục lấy mẫu và nghiên cứu về nguyên nhân của hiện tượng này.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm