Ngân hàng Horizon có tài sản trị giá 1,3 tỷ USD và tổng tiền gửi của khách hàng khoảng 1,1 tỷ USD trở thành ngân hàng đầu tiên của Mỹ bị đóng cửa trong năm 2010.
Vụ đổ vỡ của ngân hàng này vào ngày 8/1 khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bị giảm hơn 539 triệu USD.
Tất cả 18 chi nhánh của ngân hàng có trụ sở tại bang Washington này sẽ được ngân hàng Federal Savings & Loan Association đóng tại cùng bang tiếp quản.
Ngân hàng Horizon đóng cửa. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng giống như nhiều ngân hàng quy mô nhỏ khác ở Mỹ, Horizon bị sụp đổ do có quá nhiều khoản cho vay bất động sản khó đòi. Năm 2009, nước Mỹ đóng cửa 140 ngân hàng, nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay ở nước này năm 1992, khi đó có 181 ngân hàng đổ vỡ.
Cũng trong năm ngoái, FDIC đã phải chi 30 tỷ USD để thanh toán bảo hiểm tiền gửi liên quan tới các ngân hàng bị đóng cửa.
Chủ tịch của FDIC, bà Sheila Bair, đã từng cảnh bảo rằng trong cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng hiện nay, năm 2010 sẽ chứng kiến số lượng ngân hàng sụp đổ nhiều nhất.
Các quan chức của FDIC cũng dự kiến sẽ phải chi khoảng 100 tỷ USD cho bảo hiểm tiền gửi trong 4 năm từ 2010 đến 2013.
Cùng bị đóng cửa với ngân hàng Horizon trong ngày 8-1 là Liên hiệp Tín dụng Trung ương Kern có trụ sở tại bang California.
Các cơ quan chức năng của bang California cho biết tổ chức tín dụng này có tài sản trị giá gần 35 triệu USD và số khách hàng lên tới 8.400, chủ yếu là công nhân nông nghiệp, những người thường vay tiền để mua xe ôtô.
Theo FDIC, Liên hiệp Tín dụng Trung ương Kern đã được một tổ chức tín dụng khác là Liên hợp tín dụng liên bang của Durham có trụ sở tại bang Carolina Bắc đồng ý mua lại.
Theo TTXVN