Tin tức

Mỹ: Lễ nhậm chức kịch tính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẵn sàng hành động quyết liệt và không ngại đối đầu với Đảng Cộng hòa ngay ngày đầu nắm quyền.

Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris vào ngày 20-1 hứa hẹn sẽ là một trong những buổi lễ nhậm chức khác thường nhất lịch sử Mỹ. Vì rủi ro kép dịch Covid-19 và bạo loạn, những nghi lễ truyền thống như diễu hành và dạ vũ nhậm chức sẽ được tổ chức dưới hình thức ảo. Thị trưởng thủ đô Washington, bà Muriel Bowser, liên tục kêu gọi người dân ở nhà trong khi dịch vụ Airbnb hủy mọi đơn đặt phòng nhằm ngăn chặn người dân đổ về thủ đô. Theo hãng tin AP, các tuyến đường và ga tàu điện ngầm ở trung tâm Washington sẽ bị đóng trong lúc giới chức đang cân nhắc đóng cửa mọi cây cầu xuất phát từ bang Virginia.

 

Rào chắn được dựng tại thủ đô Washington hôm 16-1, trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden .Ảnh: REUTERS


Cùng với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, buổi lễ sẽ có sự tham gia của chỉ khoảng 2.000 người. Nếu Tổng thống Donald Trump không có mặt như tuyên bố, ông sẽ trở thành tổng thống sắp mãn nhiệm đầu tiên kể từ khi ông Andrew Johnson không dự lễ tuyên thệ của người kế nhiệm vào năm 1869. Ban đầu, ban tổ chức định giữ lại một số truyền thống lâu đời của lễ nhậm chức bình thường, chỉ cắt giảm quy mô và tuân thủ các quy định chống dịch. Tuy nhiên, sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6-1 và tiếp đó là cảnh báo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về nguy cơ biểu tình vũ trang trên khắp 50 bang trước buổi lễ, mọi chuyện đã thay đổi. Cơ quan Mật vụ Mỹ đang phối hợp với các bộ, ngành khác để thực hiện điều họ mô tả là "nhiệm vụ không được phép thất bại", biến trung tâm Washington thành "pháo đài" với sự hiện diện của rào chắn, chốt kiểm soát và hơn 25.000 binh sĩ Vệ binh quốc gia, tính đến ngày 16-1, vượt xa con số 15.000 so với kế hoạch ban đầu.

Bất chấp rủi ro an ninh, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố ông vẫn tuyên thệ nhậm chức bên ngoài Điện Capitol như những người tiền nhiệm. Theo trang web lễ nhậm chức, ông Biden sẽ phát biểu trước người dân cả nước, "công bố tầm nhìn để đánh bại đại dịch, xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn, đoàn kết và hàn gắn đất nước". Để nhấn mạnh thông điệp này, ông Biden và bà Harris sẽ dự nghi lễ duyệt quân "Pass in Review" - một truyền thống lâu đời biểu trưng cho quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho tổng tư lệnh mới.

Theo ông Ron Klain, Chánh Văn phòng Nhà Trắng sắp tới, một loạt lời hứa về "Ngày đầu tiên" của ông Biden sẽ được thực hiện trong 9 ngày kể từ lễ nhậm chức, mở đầu bằng việc công bố "hàng chục sắc lệnh" nhằm xóa bỏ di sản của Tổng thống Trump, như đưa Mỹ tái gia nhập Thỏa thuận Khí hậu Paris và đảo ngược lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia có phần đông là người Hồi giáo. Bên cạnh đó, ông Biden còn lên kế hoạch công bố dự luật nhập cư ngay trong ngày 20-1, mở ra cơ hội trở thành công dân Mỹ cho khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ. Cùng với đề xuất gần đây về gói cứu trợ 1.900 tỉ USD cho kế hoạch tiêm chủng Covid-19 và kích thích kinh tế, dự luật cho thấy ông Biden sẵn sàng hành động quyết liệt trong các vấn đề chính sách và không ngần ngại đối đầu với phe Cộng hòa ngay ngày đầu nắm quyền.

Quyết định của ông Biden nhằm yêu cầu quốc hội cấp tư cách pháp lý cho hàng triệu người nhập cư không giấy tờ đã khiến giới quan sát không khỏi bất ngờ bởi đây vốn là vấn đề gây chia rẽ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, thậm chí là trong nội bộ đảng của ông. Theo ước tính của Bộ An ninh nội địa Mỹ, quốc gia của họ có 12 triệu cư dân không giấy tờ vào năm 2015. Hiện không biết chính xác con số này là bao nhiêu.

Quan điểm mềm mỏng của ông Biden đang tạo dòng người di cư mới hướng về Mỹ. Tính riêng ngày 17-1, theo giới chức Guatemala, khoảng 9.000 người di cư đến từ Honduras đã băng qua biên giới của họ, bất chấp những nỗ lực ngăn cản. Hiện dòng người này đang hướng về biên giới Mexico, nơi vẫn đang thực hiện thỏa thuận di trú với Mỹ. Ngay trong ngày 16-1, Bộ Ngoại giao Mexico đã đề nghị các chính quyền địa phương ngăn chặn đoàn người để tránh làm dịch Covid-19 lây lan.


 


Trắc trở phút cuối

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, gần như ngày nào Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đăng tải những hoạt động ngoại giao lớn của chính quyền đương nhiệm. Nhiều thông báo trong số này củng cố các ưu tiên của Tổng thống Donald Trump và mặt khác tạo rào cản cho hướng đi mới của ông Joe Biden, có thể kể ra là đưa Cuba trở lại danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố, chính thức xem phiến quân Houthi ở Yemen là khủng bố, xóa bỏ những hạn chế lâu nay trong liên lạc giữa quan chức Mỹ với Đài Loan, một loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran...

Giới phân tích cho rằng việc liệt Houthi là khủng bố thực ra là đòn đánh nhằm vào Iran, nước hậu thuẫn cho nhóm phiến quân này, qua đó khiến cho ý định đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân quốc tế của ông Biden sẽ tốn thêm nhiều thời gian và công sức.

Đối với vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Trung Quốc - vùng lãnh thổ Đài Loan, ông Pompeo hôm 9-1 tuyên bố đã gỡ bỏ mọi "hạn chế tự áp đặt" trong liên lạc giữa hai bên, bao gồm về quân sự. Ông Biden từng nói ông lo ngại về thái độ gây hấn của Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ và thương mại song ông muốn xem xét lại tổng thể và tạo liên minh đối phó Trung Quốc. Chính quyền ông Biden có thể dễ dàng đảo ngược chính sách về Đài Loan nhưng nếu làm thế ngay, ông có khả năng bị đánh giá là nhẹ tay với Trung Quốc.

Theo báo The Washington Post, toàn bộ thay đổi kể trên có thể được đảo ngược nhưng mỗi vấn đề đều làm phức tạp thêm tình hình, nhất là khi cần quốc hội Mỹ thông qua. Một quan chức cấp cao trong ê-kíp chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết: "Chúng tôi đang xem xét từng vấn đề và chính quyền sắp tới sẽ quyết định dựa trên tiêu chí duy nhất là lợi ích quốc gia".


 

Hải Ngọc


Theo CAO LỰC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm