Tin tức

Mỹ muốn nâng tầm "Bộ tứ kim cương" thành NATO Ấn Độ - Thái Bình Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mục tiêu của Washington là tạo điều kiện để các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hợp tác để trở thành một lá chắn trước “thách thức tiềm tàng đến từ Trung Quốc”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun khẳng định hôm 31-8.

Theo ông Biegun, Washington muốn chính thức hóa, nâng tầm quan hệ quốc phòng thân cận với các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, còn được gọi là "Bộ tứ kim cương" (nhóm Quad), thành liên minh quân sự tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chính phủ Mỹ muốn làm cầu nối để nhóm Quad và những quốc gia khác trong khu vực làm việc cùng nhau để trở thành lá chắn chống lại "thách thức tiềm tàng đến từ Trung Quốc", cũng như để tạo ra một khối dựa trên giá trị và lợi ích chung của các nước tham gia theo hướng thu hút thêm các nước khác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và thậm chí là trên toàn thế giới…


 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun. Ảnh: Reuters



"Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các tổ chức đa phương mạnh mẽ. Họ không có bất cứ cấu trúc mạnh mẽ nào như NATO hay khối Liên minh châu Âu (EU)…Hãy nhớ rằng ngay cả NATO cũng từng khởi đầu với những kỳ vọng khá khiêm tốn và nhiều quốc gia ban đầu cũng từng chọn lập trường trung lập khi được mời tham gia tổ chức này" – ông Biegun nói thêm.

Vị này lưu ý Washington sẽ chú ý đến tham vọng của mình dành cho NATO Thái Bình Dương, nói rằng việc nâng tầm một tổ chức như vậy "sẽ chỉ xảy ra nếu những quốc gia khác cũng có mức độ cam kết như Mỹ".

Chia sẻ với cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma tại một sự kiện trực tuyến do Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ - Ấn tổ chức, ông Biegun còn cho biết nhóm Quad dự kiến gặp gỡ tại New Delhi vào khoảng mùa thu này. Cũng theo ông Biegun, khả năng Úc tham gia các cuộc tập trận hải quân Malabar do Ấn Độ tổ chức là một ví dụ về bước tiến đạt được đối với một khối quốc phòng chính thức hơn.

Ấn Độ "rõ ràng đang có ý định mời Úc tham gia tập trận Malabar. Đây sẽ là một bước đi quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", Thứ trưởng Biegen nói thêm.

 

Các cuộc tập trận Malabar, diễn ra phần lớn ở Vịnh Bengal, được Mỹ và Ấn Độ tiến hành thường niên kể từ năm 1992. Ảnh: Reuters


Các cuộc tập trận Malabar, diễn ra phần lớn ở Vịnh Bengal, được Mỹ và Ấn Độ tiến hành thường niên kể từ năm 1992, trước khi có thêm sự tham gia của Nhật Bản kể từ năm 2015.

Úc từng tham dự một lần vào năm 2007 nhưng trước sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ sau đó không lặp lại lời mời bất chấp Canberra sẵn lòng tham gia, Viện Nghiên cứu Lowy khẳng định trong báo cáo hồi tháng 7.

Cũng theo báo cáo, các cuộc đụng độ giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya trước đó 1 tháng đã khiến New Delhi kiên quyết hơn trong việc đưa Canberra trở lại các cuộc tập trận Malabar.

Theo Cao Lực (Theo SCMP)

Có thể bạn quan tâm