Tin tức

Mỹ quyết đè bẹp sức chịu đựng của kinh tế Trung Quốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Biện pháp tăng áp thuế không phải để giải quyết thâm hụt thương mại, mà Mỹ chỉ muốn đánh quỵ sức chịu đựng của nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc có động thái muốn hạ nhiệt thương chiến?
Vừa qua, Bắc Kinh đề nghị các đại diện thương mại cao cấp của Mỹ là Trung Quốc sẽ mua một lượng nhỏ nông sản Mỹ, trước vòng đàm phán mới, Politico dẫn nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, cho biết.
Theo các nguồn tin, có thể đề xuất của phía Trung Quốc chỉ được thực hiện nếu Mỹ nới lỏng hạn chế xuất khẩu đối với Huawei hoặc hoãn tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD từ ngày 1/10.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, từ ngày 1 tháng 9, Hoa Kỳ sẽ tăng thuế đối với khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ có trị giá 300 tỷ dollars, lên mức 15%, chứ không phải 10% theo như kế hoạch. Còn từ ngày 1 tháng 10, Washington sẽ tăng thuế 30% với nhóm hàng hóa khác trị giá 250 tỷ dollars, chứ không phải là 25% như Bắc Kinh hy vọng.
Đầu tháng 7, ông Trump cho biết, Bắc Kinh đã không thực hiện cam kết với Washington về mua nông sản Mỹ như đã hứa.
Trung Quốc trước đây tuyên bố rằng họ sẵn sàng bắt đầu tích cực tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ để giảm sự mất cân bằng trong thương mại. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thực hiện điều này.
Kim ngạch thương mại Trung-Mỹ giảm, thâm hụt cũng giảm
Được biết, báo cáo này đưa ra trong bối cảnh các con số thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục đà suy giảm, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại kéo dài và ngày càng gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo kết quả công bố chính thức trong tám tháng đầu của năm 2019, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là 355,6 tỷ USD, thấp hơn 13,9% so với cùng kỳ năm 2018, dữ liệu mà Hải quan Trung Quốc công bố hôm 08/9 cho biết.
Theo Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong giai đoạn này giảm 8,9%, vẫn đạt mức 275,53 tỷ USD, trong khi Hoa Kỳ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt 80,07 tỷ USD, giảm 27,5% so với giai đoạn tháng từ tháng 1 đến tháng 8 năm ngoái.
Chỉ tính riêng trong tháng 8, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ đạt 37,30 tỷ USD, còn xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc là 10,35 tỷ USD.
 
Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ chưa có tác động lớn đến cán cân thương mại giữa hai nước
Ngoài việc đà suy giảm kim ngạch thương mại song phương Trung-Mỹ vẫn tiếp diễn, sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước trong bối cảnh cuộc chiến thương mại kéo dài tiếp tục gia tăng.
Theo kết quả thống kê năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng 28,5% so với năm 2017, lên tới 633,5 tỷ USD.
Nhưng trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng 11,3% và đạt 478,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc chi tăng vẻn vẹn 0,7%, lên 155,09 tỷ USD. Do đó, sự mất cân bằng thương mại năm 2018 đã tăng lên tới 323,3 tỷ USD, từ mức 275,8 tỷ USD trong năm 2017.
Con số này trong năm 2019 dự báo sẽ giảm xuống chút ít nhưng vẫn còn ở mức rất cao. Tính đến hết 8 tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại Trung-Mỹ đạt mức 195,45 tỷ USD, dĩ nhiên là cán cân nghiêng về phía Bắc Kinh.
Dự đoán, trong cả năm 2019, thâm hụt thương mại ít nhất cũng ngang bằng với năm 2017, nhưng nó không thực sự xuất phát tự nội tại, mà mức suy giảm chỉ tỷ lệ thuận với sự suy giảm của kim ngạch giao dịch thương mại song phương.
Mỹ đang muốn gì khi tăng áp thuế?
Như vậy, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ thực chất là không thể giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại.
Washington tăng thuế thì Bắc Kinh cũng tăng thuế, Trung Quốc xuất nhiều thì thiệt hại nhiều hơn, Mỹ xuất ít thì thiệt hại ít hơn và nó không ảnh hưởng gì đến thâm hụt thương mại. Nếu kim ngạch giao dịch giữa hai bên càng cao thì thâm hụt càng tăng, còn nếu kim ngạch giảm thì thâm hụt cũng giảm với mức độ tỷ lệ thuận.
Nói tóm lại, thâm hụt thương mại chỉ sinh ra khi có sự bất đồng nhất về sự phát triển của các ngành trong nền kinh tế. Ví dụ như trong chế tạo công nghệ cao với nguyên liệu phụ trợ. Mỹ đã phải nhập nhiều cấu kiện điện tử Trung Quốc, dẫn đến hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm Mỹ thấp, trong khi lượng hàng bán được trên thị trường Trung Quốc lại không lớn. "Nhập nhiều-bán ít", đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại.
Như vậy, thực tế là áp thuế cao không thể làm giảm thâm hụt thương mại, hiện tượng này chỉ chấm dứt, nếu Mỹ cân bằng được nền kinh tế hoặc hai bên ngừng toàn bộ xuất nhập khẩu với nhau. Đây là chân lý mà hiển nhiên là những nhà kinh tế Mỹ và Tổng thống Donal Trump đều biết.
Do đó, việc Mỹ cố tình áp thêm thuế đối với Trung Quốc không phải là để nhằm giảm thâm hụt thương mại, chẳng qua đó là nỗ lực đánh bại sức chịu đựng của Bắc Kinh, mà Washington cho rằng, có quy mô và tiềm lực không bằng mình, tất yếu sẽ không thể chịu đựng được lâu dài.
Thiên Nam (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm