Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đọc thông điệp năm mới trên truyền hình-sự kiện lần đầu tiên diễn ra trong 19 năm.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ quyết tâm phục hồi đất nước trong thông điệp đầu năm. |
Trong thông điệp mừng năm mới 2013, nhiều nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ quyết tâm cải thiện đất nước sau khi trải qua một năm không ít biến động về kinh tế và chính trị.
Nỗi lo kinh tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31-12-2012 đã gửi thông điệp chúc mừng năm mới cho lãnh đạo các nước và tổng giám đốc các tổ chức quốc tế. Riêng trong thông điệp gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo Đài Tiếng nói nước Nga, ông Putin bày tỏ tin tưởng 2 nước có thể dựa trên những thành tựu hiện nay để thúc đẩy quan hệ trong nhiều lĩnh vực.
Ông Putin nhấn mạnh Nga và Mỹ đã, đang và sẽ luôn là những đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến chống lại những mối đe dọa hiện hữu, như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy và sự phổ biến của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhà lãnh đạo Nga hy vọng hai bên sẽ thảo luận thẳng thắn và cởi mở vấn đề này trong chuyến công du Moscow chính thức của Tổng thống Obama trong năm 2013.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đọc thông điệp năm mới có tựa đề “Chung tay thúc đẩy nền hòa bình và sự phát triển chung của thế giới”, trong đó khẳng định chính phủ và nhân dân dân nước này trong năm 2013 sẽ “thúc đẩy toàn diện công cuộc cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội”.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận đây không phải là một công việc dễ dàng giữa lúc “tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và sâu sắc” và “đà tăng trưởng thấp của kinh tế thế giới vẫn sẽ tiếp diễn”. Ông cam kết Trung Quốc sẽ “tích cực thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các vấn đề nóng quốc tế và khu vực bằng phương thức hòa bình, nỗ lực thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng”.
Tại Nhật Bản, thông điệp năm mới của tân Thủ tướng Shinzo Abe chứa đựng quyết tâm khôi phục đất nước sau khi trải qua một năm nhiều khó khăn. Ông Abe thừa nhận đất nước đang trong tình trạng “nguy cấp” do tình trạng giảm phát kéo dài, các cuộc tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng và tiến triển chậm trong công việc tái thiết hậu khủng hoảng. Vì thế, ông cam kết sẽ khẩn trương tiến hành các biện pháp nhằm hồi sinh nền kinh kế và “tái thiết” chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Ông Abe khẳng định chính phủ ông sẽ tăng cường tuần tra và quản lý các quần đảo hẻo lánh như là một phần của nỗ lực bảo vệ chủ quyền, cuộc sống và tài sản người dân. Ông đúc kết: “Nhật Bản dưới thời chính phủ Abe sẽ thúc đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ, tái thiết quan hệ với các nước láng giềng và tận dụng sự tăng trưởng của châu Á để thúc đẩy kinh tế trong nước”.
Nỗi lo về kinh tế cũng là chủ đề chính trong thông điệp năm mới của các nhà lãnh đạo châu Âu. Tại Đức, cường quốc châu Âu và là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo người dân về một năm 2013 đầy thách thức khi dự báo: “Môi trường kinh tế năm tới sẽ không dễ dàng hơn mà là khó khăn hơn. Dù vậy, điều này sẽ không khiến chúng ta nản lòng mà ngược lại chỉ càng thêm khích lệ chúng ta”.
Năm của “sáng tạo, thay đổi”
Thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên truyền hình cũng thu hút nhiều chú ý bởi đây là lần đầu tiên trong 19 năm sự kiện này diễn ra. Thông điệp này nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải thiện nền kinh tế và thống nhất 2 miền Triều Tiên. Ông Kim Jong-un cho rằng năm 2013 sẽ là một năm của “những sáng tạo và thay đổi”, đồng thời kêu gọi những nỗ lực toàn diện để đưa đất nước trở thành một “gã khổng lồ về kinh tế”.
Nội dung thông điệp cũng kêu gọi giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với Hàn Quốc dù nhà lãnh đạo Triều Tiên không quên cảnh báo Seoul rằng bất kỳ cuộc đối đầu nào cũng chỉ dẫn đến chiến tranh và Bình Nhưỡng tiếp tục ưu tiên phát triển quân sự để chuẩn bị cho tình huống này.
Tại Myanmar, Tổng thống Thein Sein sử dụng thông điệp năm mới đầu tiên của mình như một phần của nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân thông qua việc tăng cường giao tiếp trực tiếp. Ông khẳng định: “Thành phần quan trọng nhất cho sự thành công của tiến trình chuyển tiếp dân chủ ở Myanmar là sự tin cậy lẫn nhau giữa chính phủ và người dân”. Nhà lãnh đạo Myanmar nói thêm rằng vẫn còn nhiều khía cạnh cần được cải cách ở nước này.
Theo nld