Tin tức

Nga hướng về châu Á Thái Bình dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng thống Nga Medvedev.
Tổng thống Nga Medvedev.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định rằng nước Nga là một phần không thể tách rời của châu Á Thái Bình dương, và sẽ làm hết mình để củng cố vai trò là "tiền đồn trong tăng trưởng toàn cầu".

Tuyên bố này được đưa ra nhân năm 2012, khi Nga giữ chức chủ tịch luân phiên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Tổng thống khẳng định ưu tiên mà Nga dành cho việc hợp tác mọi mặt với các nước trong khối APEC, từ thương mại đầu tư đến khoa học công nghệ, từ an ninh chính trị đến bảo tồn thiên nhiên. Ông đề ra các biện pháp cụ thể để củng cố và thúc đẩy sự hợp tác bên trong và bên ngoài của tập hợp các nền kinh tế đang chiếm tới 54% tổng GDP toàn cầu và 40% tổng thương mại quốc tế này.

Các khía cạnh được chú ý nhất là thúc đẩy tự do hóa đầu tư và thương mại nội khối; đảm bảo an ninh lương thực; liên kết Á-Âu trong đó Nga sẵn sàng dành hành lang vận tải của mình để tăng thương mại khối; đối thoại giữa các nền văn minh để đảm bảo an ninh chính trị và quân sự; và đảm bảo an ninh năng lượng.

Nga vừa gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới sau hơn một thập kỷ đàm phán ròng rã. Sự kiện này sẽ giúp Moscow có được vị thế bình đẳng trong đàm phán các hiệp định tự do thương mại với các thành viên APEC cũng như các nền kinh tế khác.

APEC là diễn đàn hợp tác giữa 21 nền kinh tế thuộc khu vực châu Á Thái bình dương. Trong số các thành viên có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga.. Hội nghị cấp cao của APEC diễn ra tháng 11 năm nay tại thành phố Viễn Đông Vladivostok, đánh dấu lần đầu tiên Nga làm chủ nhà.

Châu Á Thái bình dương đang ngày càng trở thành nơi tập trung mối quan tâm của các thế lực lớn trên thế giới. Ấn Độ, vốn có chính sách hướng đông từ nhiều năm qua, nay tái khẳng định và quyết tâm đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược này. Mỹ năm ngoái tuyên bố "trở lại vai trò hàng đầu" ở châu Á Thái bình dương và cho rằng nơi đây sẽ là ư tiên trong chính sách ngoại giao. Tại châu Á, Trung Quốc cũng đang ngày càng mạnh về kinh tế, quân sự và tầm ảnh hưởng.

Theo vnexpress

Có thể bạn quan tâm