Tin tức

Nga mong muốn thay đổi quyền lực ở Ucraine và ám ảnh một mùa đông tồi tệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mong muốn thay đổi chế độ ở Kiev; tình hình chiến sự căng thẳng và nỗi ám ảnh một mùa đông lạnh lẽo ở Ucraine đang là những thông tin gây sự chú ý của dư luận trong cuộc xung đột Nga-Ucraine hiện nay.

Nga sẽ đạt được các mục tiêu đề ra tại Ukraine

Theo đài RT, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin ngày 21-11 được hỏi liệu một cuộc thay đổi chế độ tại Kyiv có phải là một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự hay không, ông Peskov nói “không” và cho rằng Tổng thống V.Putin từng khẳng định điều này.

Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin. Ảnh: Reuters
Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Điện Kremlin tự tin cho rằng Nga sẽ đạt được các mục tiêu đề ra tại Ukraine bằng nhiều phương pháp và hình thức, tuy không nêu rõ mục tiêu là gì. Ông này nhấn mạnh vấn đề không phải Nga đạt mục tiêu hay không mà là đạt vào thời điểm nào.

Ý kiến này của ông Peskov được đưa ra sau khi Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) Konstantin Kosachev phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo AIF rằng, bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Ukraine chỉ có thể diễn ra sau một cuộc thay đổi quyền lực tại Kyiv vì chính quyền hiện tại thiếu linh động và bị ràng buộc bởi các hành động và lý tưởng trước đó.

 “Phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ucraine là những mục tiêu chính của chiến dịch quân sự mà ông Putin phát động tại Ukraine. Đối với ông, bảo vệ người nói tiếng Nga tại vùng Donbass và yêu cầu Ukraine trở thành nước trung lập, không gia nhập NATO.

Cũng thể hiện quan điểm cứng rắn, ông Dmitry Medvedev-Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga hồi tháng 10 kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn “chế độ chính trị phát xít” tại Kyev vì nó là mối đe dọa thường trực, trực tiếp và rõ ràng với Nga.

Trong một động thái khác về vụ tên lửa Ucraine rơi trên lãnh thổ Ba Lan, trong bài viết trên mạng xã hội Telegram ngày 19-11, Thủ tướng Nga Medvedev cho rằng các phản ứng về vụ tên lửa rơi ở Ba Lan cho thấy sự mệt mỏi của phương Tây xuất hiện các "triệu chứng mới".

Ông Medvedev chỉ ra ngay cả "những người chống Nga mạnh mẽ nhất" của Ba Lan cũng không đổ lỗi vụ việc cho Matxcơva, theo Đài Russia Today.

Mệt mỏi với những hành động của Ukraine và Tổng thống Zelensky khiến các nước phương Tây "hối thúc" Ukraine đàm phán với Nga. Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu không muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với Nga vì nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba. Các bên này liên tục nỗ lực nhằm kiềm chế Kiev và hối thúc Ukraine đàm phán với Nga, ông Medvedev viết.

Còn với Tổng thống Mỹ, khi được hỏi tuyên bố của ông Zelensky về việc này, ông Joe Biden thẳng thừng bác bỏ. Điều này cho thấy Mỹ không đồng ý với Ukraine,  "Đó không phải là bằng chứng"- ông Biden cho biết.

Chiến sự căng thẳng và ám ảnh mùa đông lạnh lẽo

Thành phố Kherson gần đây lực lượng Ukraine tái chiếm nhưng không có điện, cơ sở hạ tầng bị hư hại quá nặng, không thể đáp ứng cho sự tồn tại của người dân trong mùa đông.

Người dân Kherson lấy nước công cộng từ một nơi quân Nga đã rời đi .Ảnh: Reuters
Người dân Kherson lấy nước công cộng từ một nơi quân Nga đã rời đi .Ảnh: Reuters

Không chỉ Kherson, tình hình ở thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Nga thực hiện cuộc tấn công tên lửa lớn nhất vào lưới điện của nước này ngày 15-11.

Công ty điều hành lưới điện thuộc sở hữu nhà nước Ukraine Ukrenergo báo cáo rằng 40% người dân Ukraine đang gặp khó khăn do ít nhất 15 trung tâm năng lượng lớn trên cả nước bị hư hỏng.

Bác sĩ Hans Henri P Kluge, giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, cho biết khoảng một nửa các cơ sở hạ tầng về năng lượng của Ukraine đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. 

Điều này khiến 10 triệu người dân của nước này hiện sống trong tình cảnh không điện. Cơ quan chức năng của Ucraine dự báo mùa đông tới, nhiệt độ có thể hạ xuống mức âm 20 độ C ở một số khu vực khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo WHO, đã có 703 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hệ thống y tế nước này đang "đối mặt với những ngày đen tối nhất trong cuộc chiến". Các cơ sở y tế không thể hoạt động đầy đủ do thiếu nhiên liệu, thiếu nước, điện để đảm bảo các nhu cầu tối thiểu.

Cũng với WHO, có thể khoảng 3 triệu người Ukraine sẽ phải di tản để tìm đến nơi ở ấm áp và an toàn tránh đông, và 1- 1,5 triệu người khó tiếp cận với nguồn thuốc chữa bệnh.

T.S (từ vietnamplus.vn, TNO, Tuổi trẻ online)

Có thể bạn quan tâm