Trung Quốc vừa tuyên bố cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại giữa lúc giới chức lãnh đạo nước này đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ vì chiến tranh thương mại với Mỹ.
Giữa lúc lãi suất tiền gởi của Mỹ cao hơn và lo ngại chiến tranh thương mại sẽ chồng chất sức ép lên các nền kinh tế khắp thế giới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 7-10 tuyên bố sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc 1% từ ngày 15-10 để hạ thấp các chi phí tài chính và thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế số 2 thế giới.
Người dân đi qua trụ sở của PBOC tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Đợt cắt giảm dự trữ lần thứ 4 trong năm này của PBOC xảy ra sau khi Bắc Kinh cam kết tăng tốc các kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án hạ tầng giữa lúc nền kinh tế cho thấy các dấu hiệu hạ nhiệt tăng trưởng.
Tăng trưởng về đầu tư của Trung Quốc đã chậm lại ở mức kỷ lục kéo theo sự đi xuống của tăng trưởng xuất khẩu ròng trong nửa đầu năm nay.
Động thái cắt giảm dự trữ ngân hàng mới công bố sẽ giải phóng 750 tỉ Nhân dân tệ (tức khoảng 110 tỉ USD) cho các ngân hàng này, đồng thời mở ra những hy vọng rằng các tác động tiêu cực từ thuế quan gia tăng của Mỹ vào hàng xuất khẩu Trung Quốc có thể giảm bớt.
Động thái cắt giảm được thông báo vào ngày cuối cùng trong tuần nghỉ lễ quốc khánh của Trung Quốc cho thấy PBOC có thể lo ngại về tác động của "những cú sốc bên ngoài" tới các thị trường như bài phát biểu tuần rồi của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chỉ trích Bắc Kinh gay gắt, ông Zhang Yi – chuyên gia kinh tế cấp cao của Zhonghai Shengrong Capital Management nhận định.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu dự báo sẽ mở cửa với xu hướng giảm điểm vào ngày 8-10 sau các đợt bán tháo phiên cuối tuần hôm 5-10 ở châu Âu và Phố Wall. Tuy nhiên, động thái của PBOC có thể khiến sức sống trở lại trên thị trường này.
Về phần mình, PBOC khẳng định việc cắt giảm dự trữ sẽ không làm nhân dân tệ mất giá và chính sách tiền tệ nước này vẫn "thận trọng và trung lập".
Theo đó, PBOC nhấn mạnh sẽ duy trì thanh khoản hợp lý thúc đẩy tăng trưởng phù hợp của tín dụng tiền tệ và quy mô tài chính xã hội.
Tuy nhiên, nhiều lo ngại nổi lên về khả năng Bắc Kinh vì áp lực của dòng vốn gia tăng khi Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất và thuế quan từ chính quyền của Tổng thống Trump, một lần nữa sẽ trì hoãn các kế hoạch giảm nợ của nền kinh tế này nhằm nỗ lực ổn định tăng trưởng trong ngắn hạn.
Đỗ Quyên (NLĐO/Theo Guardian)