Tôi không phản biện lời bạn. Đành rằng ở đâu cũng có sương mù mỗi sớm mai hay những đêm se lạnh nhưng có những miền sương để lại bao nỗi vấn vương trong tâm thức.
Minh họa: HUYỀN TRANG |
Có một miền sương đẹp và bồng bềnh trong tuổi thơ êm đềm của tôi. Đó là những ngày trời lập đông hay cuối năm tiết trời se lạnh đến nỗi tôi chẳng muốn thức dậy, chỉ muốn ngủ vùi trong chăn nệm ấm áp. Còn bà tôi đã dậy từ bao giờ. Bà lui cui trong gian bếp đỏ lửa, sực nức mùi cơm chiên tỏi hành, mùi khoai nướng. Ngoài trời, sương giăng giăng từ mái nhà ra tận cánh đồng.
Tôi ngồi bên bếp lửa cùng bà, hai tay xoa xoa vào nhau. Lửa reo tí tách trong lò. Bóng bà in lên vách lá. Sáng nào, bà cũng ngồi chiên cơm cho tôi lót dạ trước khi đi học, cho má no bụng trước lúc ra đồng.
Tôi nhớ khi học bài “Bếp lửa” của Bằng Việt, đọc đến đoạn: “Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen/Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.../Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”, tôi đã bật khóc vì thấy hình ảnh người bà trong bài thơ giống bà tôi đến thế!
Mỗi người đều có những miền sương cho riêng mình. Những miền sương đó đã cất giữ biết bao kỷ niệm đẹp, không dễ gì quên. Sau này, khi lớn lên, tôi lại tìm thấy cho mình những miền sương, để khi nhớ về lòng lại bồi hồi, trào dâng bao cảm xúc. Một sớm nào tôi thức dậy nơi “phố núi cao phố núi đầy sương”, lang thang trên những con dốc mềm như cánh võng, ngồi thưởng thức ly cà phê thơm nồng, ngắm sương mù bảng lảng trong lòng thành phố.
Pleiku đã đánh thức những ký ức đẹp về miền sương mù của tuổi thơ, gieo thêm trong tôi những hạt mầm kỷ niệm về những sớm mai cùng má ngồi ngắm sương mù phố núi. Sương cao nguyên luôn đẹp và quyện vào trong tôi những nỗi niềm. Trong tôi bỗng dậy lên những nhớ nhung phố núi, hẹn một ngày không xa lại đi dưới tán thông xanh rì, ngắm đôi mắt Biển Hồ mơ màng trong sương sớm.
Những thành phố cao nguyên luôn gợi nhiều thương nhớ trong tôi. Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt... nơi nào đi qua cũng để lại cho tôi bao hồi ức. Mỗi năm, tôi trở lại Đà Lạt 2 lần, vào mùa thu và mùa xuân. Người ta vẫn thường gọi Đà Lạt là thành phố sương mù. Trong bài hát “Phố mùa đông”, nhạc sĩ Bảo Chấn viết: “Phố sương mù, phố chưa lên đèn/Núi quanh đồi như mùa trăng cũ/Từng dốc phố quấn quanh núi đồi”.
Lẽ gì Đà Lạt lại hấp dẫn tôi đến vậy? Có lẽ vì núi đồi, sương mù, hương thơm nồng nàn của thông và còn vì nơi ấy cất giữ giúp tôi biết bao kỷ niệm quý giá của thanh xuân. Những sớm sương mù, tôi nắm tay bạn đi dạo quanh hồ Xuân Hương. Những buổi chiều khi hoàng hôn vừa buông xuống, đứng trên đồi thông nhìn về phía thành phố, nghe gió rít đại ngàn, tay mình siết chặt tay bạn tìm hơi ấm... Đôi khi chỉ cần những khoảnh khắc bình yên như thế cũng đã đủ rồi!
Chẳng cần chi phải chạy vạy, bôn ba, bon chen nhọc nhằn giữa biển người xuôi ngược. Chẳng biết đúng hay sai, nhưng ít nhiều với người trẻ đã chọn Đà Lạt làm nơi “chữa lành”, để thanh lọc tâm hồn sau cuộc mưu sinh.
Ai cũng giữ lấy một miền sương mù cho chính mình. Tháng năm nào đó, sương mù đã tự nó náu nương trong tâm hồn mỗi người. Đôi khi, cảm giác an trú hiện diện là khi chúng ta vứt bỏ tất cả những ưu tư phiền muộn để ngồi ngắm sương mù, thưởng thức vẻ đẹp mong manh chóng tan nhưng thủy chung tận tụy của sương để thấy cuộc đời này thật kỳ diệu.