Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Người tiên phong chế biến bơ đông lạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để khắc phục tình trạng quả bơ bị hư hỏng sau thu hoạch, anh Nguyễn Thanh Phúc (thôn 6, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến bơ đông lạnh. Hàng năm, cơ sở đã tiêu thụ hàng chục tấn bơ tươi cho người dân trên địa bàn cũng như góp phần đưa bơ Gia Lai vươn ra thị trường thế giới.
Qua gần 10 năm trồng bơ, anh Phúc nhận thấy quả bơ nói riêng và các loại trái cây nói chung mỗi khi vào mùa thu hoạch thường rất bấp bênh về giá. Đặc biệt là quả bơ khi thì bán được với giá cao nhưng cũng có lúc rụng đầy gốc không ai mua. Trước thực trạng này, anh Phúc tìm hiểu qua báo chí, mạng internet để tìm cách bảo quản bơ được lâu hơn, có sản phẩm cung cấp cho thị trường quanh năm. Năm 2016, Phúc quyết định đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng kho cấp đông, kho bảo quản, nhà xưởng và lắp đặt dây chuyền máy móc hiện đại để chế biến, đông lạnh quả bơ.
Anh Phúc chia sẻ: Có nhiều cách để làm cho quả bơ nhanh chín nhưng lại khó bảo quản được lâu. Do đó, để bảo quản được lâu thì cần đông lạnh chúng. Trái bơ vừa đủ độ chín sẽ được vệ sinh sạch sẽ, gọt vỏ, tách hạt, hút chân không đóng gói. Sau đó, tiến hành đông lạnh cấp tốc nhằm giữ độ tươi, màu sắc cũng như không làm thay đổi hàm lượng chất dinh dưỡng của bơ. “Quả bơ sau khi đông lạnh có thể bảo quản được cả năm nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh cung cấp quanh năm cho các nhà hàng, quán giải khát làm sinh tố ở các tỉnh, thành trên cả nước, cơ sở cũng được nhiều doanh nghiệp đặt hàng gia công để xuất khẩu sang các nước như Nga, Ấn Độ, Malaysia”- anh Phúc cho biết.
Chế biến bơ đông lạnh tại cơ sở của ông Nguyễn Thanh Phúc. Ảnh: Quang Tấn
Chế biến bơ đông lạnh tại cơ sở của anh Nguyễn Thanh Phúc. Ảnh: Quang Tấn
Dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt của đời sống, trong đó, nông sản của người dân bị ùn ứ, khó tiêu thụ, nhất là trái cây. Do đó, cơ sở chế biến của anh Phúc trở thành cứu cánh cho người trồng bơ trên địa bàn. Theo anh Phúc, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng anh vẫn thu mua bơ của người dân với giá 10-20 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động với thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/tháng. Anh Phúc cho hay: “Trung bình mỗi năm, cơ sở của tôi thu mua khoảng 80 tấn bơ để sơ chế, đông lạnh cung cấp cho các đại lý bán lẻ và một số doanh nghiệp xuất khẩu. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm”.
Trước nhu cầu lớn của thị trường, anh Phúc dự định sẽ đầu tư 5 tỷ đồng mở rộng kho cấp đông, kho bảo quản, mua máy móc hiện đại để sản xuất trái cây đông lạnh đạt chuẩn cho xuất khẩu. “Tôi đang liên kết với 30 hộ dân trồng khoảng 50 ha bơ và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới. Bên cạnh đó, tôi sẽ mở rộng cơ sở chế biến, đông lạnh thêm các sản phẩm trái cây khác như: sầu riêng, mãng cầu, chuối… nhằm phục vụ thị trường trong nước cũng như cho xuất khẩu”-anh Phúc thông tin
Theo ông Phúc, muốn giữ được độ tươi, màu sắc và chất lượng bơ thì cần làm lạnh cấp tốc ở nhiệt độ thích thích hợp. Ảnh: Quang Tấn
Theo anh Nguyễn Thanh Phúc, muốn giữ được độ tươi, màu sắc và chất lượng bơ thì cần làm lạnh cấp tốc ở nhiệt độ thích hợp. Ảnh: Quang Tấn
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Anh Nguyễn Thanh Phúc là người tiên phong đầu tư xây dựng cơ sở đông lạnh trái cây. Cơ sở đã góp phần khắc phục một phần tình trạng trái cây trên địa bàn bị ùn ứ, không bán được do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thời gian qua. Đồng thời, từng bước góp phần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo hướng bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để anh Phúc mở rộng quy mô sản xuất cũng như tăng cường hướng dẫn người dân quy trình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm