Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Nguyễn Thị Ninh Kiều: Đưa gạo sạch Gia Lai vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Ngày hội thanh niên Gia Lai khởi nghiệp được tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua, gian hàng trưng bày các loại gạo đặc sản Gia Lai của cửa hàng gạo Dã Quỳ Farm thu hút khá đông người đến tham quan. Chủ của cửa hàng là chị Nguyễn Thị Ninh Kiều (SN 1991, ở 46A Võ Trung Thành, TP. Pleiku).
Sinh ra và lớn lên ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, năm 2012, sau khi tốt nghiệp Khoa Kế toán (Trường Cao đẳng Hải quan TP. Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Thị Ninh Kiều vào làm ở Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT TP. Hồ Chí Minh. Năm 2015, chị theo chồng về Pleiku sinh sống. Trong thời gian này, do chưa xin được việc làm nên chị nảy sinh ý định tìm hướng khởi nghiệp. Là người sinh ra ở miền Tây Nam bộ, vựa lúa lớn nhất nước, gia đình cũng trồng lúa nên Kiều quyết định khởi nghiệp bằng việc kinh doanh các loại gạo sạch và đặc sản Gia Lai.
Chị Nguyễn Thị Ninh Kiều. Ảnh: H.Đ.T
Chị Nguyễn Thị Ninh Kiều. Ảnh: H.Đ.T
Qua tìm hiểu, chị biết Gia Lai có những loại gạo nổi tiếng thơm ngon ở huyện Phú Thiện, Kbang, Mang Yang. Trước khi bắt tay vào kinh doanh, chị dành nhiều thời gian đến các vùng có đặc sản gạo nổi tiếng trong tỉnh để tìm hiểu về quy trình sản xuất. Sau đó, chị trực tiếp gặp bà con nông dân để ký hợp đồng sản xuất lúa đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, ở huyện Phú Thiện, chị hợp đồng với bà con sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, đến khi thu hoạch sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Chị Kiều chia sẻ: Đối với người dân Việt Nam, gạo là loại thực phẩm không thể thiếu hàng ngày. Tuy nhiên khi mua, phần lớn người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giá cả, hương thơm, độ dẻo, độ nở của gạo mà ít lưu ý đến nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, khi đời sống ngày càng nâng lên, người dân càng quan tâm đến chất lượng gạo mà mình ăn. Vì vậy, nhu cầu gạo sạch cũng ngày càng tăng. 
Sau khi khảo sát và ký hợp đồng sản xuất lúa với bà con, tháng 4-2018, chị Kiều bắt đầu mở cửa hàng bán gạo sạch. Thời gian đầu, khi cửa hàng chào bán sản phẩm có rất ít người quan tâm, một phần do giá bán cao hơn so với gạo thông thường. Không nản chí, chị kiên trì giới thiệu thông tin sản phẩm trên mạng xã hội Zalo, Facebook, diễn đàn của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai, đồng thời tích cực tham gia trưng bày tại các chương trình, sự kiện của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai và của tỉnh... Chính bởi chất lượng gạo cũng như cung cách phục vụ tận tình nên lượng khách mua gạo của chị ngày càng đông. Từ chỗ chỉ bán được vài tạ/tháng ban đầu, đến nay, cửa hàng của chị tiêu thụ hơn 3 tấn gạo đặc sản Gia Lai mỗi tháng. Không chỉ khách hàng ở Pleiku mà bạn bè, người quen ở TP. Hồ Chí Minh sau khi sử dụng các loại gạo của Gia Lai cũng đặt hàng khá nhiều. Hiện nay, cửa hàng của chị Kiều chuyên bán các loại gạo sạch, gạo nguyên cám của Phú Thiện, Krông Pa như OM4900, LH12, Mai Lâm, Tám Thơm, gạo rẫy 6 tháng của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Kon Chiêng, Kon Thụp (huyện Mang Yang), xã Pờ Tó (huyện Ia Pa)... Ngoài ra, chị còn lặn lội sang tận huyện Lak (tỉnh Đak Lak) hợp đồng với bà con để nhập gạo Đài Thơm 8, RVT về cung cấp cho khách hàng. Đặc biệt, chị đã hợp đồng với người thân ở huyện Phú Thiện sản xuất lúa hữu cơ giống LH12. Đây là giống lúa có rất nhiều ưu điểm so với các giống khác như: thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, kháng được nhiều loại sâu bệnh thường gặp, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, giống lúa LH12 cho gạo thơm ngon, dẻo. 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Nguyễn Thị Ninh Kiều:

* Tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương. 

* Kinh doanh những mặt hàng mà xã hội đang cần.

* Luôn chú trọng uy tín, chất lượng sản phẩm.

Chị Kiều chia sẻ: “Trong một thời gian ngắn mà có được kết quả kinh doanh như vậy là cả một bài toán khó. Không phải cứ mình nói bán gạo sạch thì người ta sẽ tin và đến mua ngay bởi sạch hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ địa điểm đến nguồn hàng cũng như cách quản lý. Một phần nữa là do tôi may mắn khi có những người bạn trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai hợp tác rất tốt. Bên cạnh đó thì làm việc cũng cần có niềm đam mê. Quê tôi là vùng lúa gạo nên ngay từ nhỏ tôi đã gắn bó với cây lúa, thấy được nỗi vất vả của người nông dân khi sản xuất ra hạt gạo. Vì vậy, tôi cũng mong muốn góp sức nhỏ của mình giúp bà con nông dân vùng lúa gạo của tỉnh có thêm thu nhập”.
Trước khi chia tay, Kiều cho biết, chị mong muốn khi đủ điều kiện sẽ mua đất xây kho chứa và mua máy xát gạo để chủ động hơn về nguồn hàng. Quan trọng hơn, khi đó, chị sẽ có điều kiện cung cấp nhiều hơn các loại gạo sạch, gạo đặc sản Gia Lai đến người tiêu dùng không chỉ trong tỉnh mà cả nước.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm