Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Nguyễn Thu Hằng: Bà chủ vườn dâu tây bán thủy canh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ chỗ chỉ trồng vài chậu dâu tây cho vui và lấy quả cho con ăn, giờ đây, chị Nguyễn Thu Hằng (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) đã đầu tư hẳn một nhà kính hiện đại rộng 550 m2 trồng loại cây này theo hướng bán thủy canh để cung cấp sản phẩm cho thị trường. Hướng đi táo bạo này đang hứa hẹn sẽ đem lại cho gia đình chị nguồn thu nhập cao và ổn định.

Được một người bạn từng mua dâu tây của chị Hằng giới thiệu, tôi hẹn gặp chị vào một sáng cuối tuần. Dẫn tôi đi tham quan vườn dâu tây rộng 550 m2, chị Hằng cho biết, mảnh đất này vợ chồng chị vừa thuê cách đây vài tháng để làm nhà kính trồng dâu tây.

 

Chị Nguyễn Thu Hằng bên vườn dâu tây của mình.   Ảnh: H.Đ.T
Chị Nguyễn Thu Hằng bên vườn dâu tây của mình. Ảnh: H.Đ.T

Sinh ra và lớn lên tại xã Nghĩa Hưng, sau khi tốt nghiệp THPT, Hằng thi vào Trường Đại học Tài chính-Maketing (TP. Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp đại học, chị ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc. Gần 10 năm sống và làm việc tại thành phố này, chị đã có một công việc ổn định và một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vậy nhưng đùng một cái, vợ chồng chị quyết định từ bỏ tất cả để trở về Gia Lai sống với suy nghĩ hết sức đơn giản: Đi đâu cũng không bằng quê hương mình!

Khi về Gia Lai, vợ chồng chị cùng xin vào làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ. Tôi hỏi chị, vì sao đang làm việc ở công ty mà lại rẽ qua trồng dâu tây, một lĩnh vực không liên quan gì tới ngành nghề đã học cũng như công tác, chị Hằng tươi cười cho biết: “Khi về đây công tác, ngoài đồng lương, vợ chồng tôi không có thêm nguồn thu nhập nào nên cuộc sống cũng khó khăn. Muốn đầu tư trồng cà phê hay hồ tiêu thì phải có diện tích đất lớn, vốn ban đầu cũng nhiều, thành ra cũng không làm được. Còn chuyện trồng dâu tây thì chỉ là một sự ngẫu nhiên. Ban đầu, tôi trồng thử 10 chậu dâu tây để trong nhà cho vui và lấy quả cho con ăn. Khi thấy dâu tây phát triển tốt, sai quả, tôi mới nảy sinh ý định đầu tư phát triển loại cây này. Bởi lẽ, cây dâu tây phù hợp với khí hậu Gia Lai, lại không cần diện tích lớn để trồng”.

Chị Hằng đem ý định đó bàn với chồng và lên mạng internet tìm hiểu cách trồng dâu tây. Sau đó, chị lặn lội lên Đà Lạt tham quan một số nhà vườn trồng dâu tây để học hỏi kinh nghiệm. Trở về, vợ chồng chị dốc vốn đầu tư làm một nhà kính rộng chừng 150 m2 và mua giống dâu tây về trồng. Để tạo ra sản phẩm sạch, vợ chồng chị cùng nghiên cứu trộn các loại giá thể để trồng dâu, rồi tự mày mò tìm hiểu các loại chế phẩm sinh học không gây hại để tưới cho vườn cây.

Sau một thời gian tìm hiểu, vợ chồng chị Hằng bắt tay trồng thử vài trăm gốc dâu tây. Tuy nhiên, lứa dâu đầu không thành công như mong đợi vì nhiễm sâu bệnh, cách chăm sóc cũng chưa hợp lý. Không nản chí, chị Hằng tiếp tục trồng và thay đổi cách chăm sóc cây. Dần dà, chị đã rút ra được kinh nghiệm chăm sóc dâu tây hiệu quả. Hiện nay, chị trồng dâu tây theo hướng bán thủy canh. Theo chị Hằng, đây là phương pháp trồng dâu tây mới, quy trình công nghệ phức tạp. Cụ thể, người trồng phải sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, dâu tây trồng cách mặt đất 0,8-1 m trong nhà kính, dùng giá thể thay cho đất và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, phải che lưới bên trên nếu trời quá nắng, phải tạo gió làm mát cho cây dâu tây, thường xuyên cắt tỉa lá già... Bởi quy trình trồng và chăm sóc như vậy nên giá thành của dâu trồng theo phương pháp này rất cao, gấp 4-5 lần so với phương pháp truyền thống. Bù lại, dâu tây trồng theo phương pháp bán thủy canh cho năng suất cao, trái đẹp và thơm ngon hơn.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Nguyễn Thu Hằng

- Tận dụng mọi cơ hội có thể khi khởi nghiệp.
- Lựa chọn những loại cây trồng mới, phù hợp và hiệu quả.
- Kiên trì, bền chí vượt qua những khó khăn ban đầu.

Hiện nay, chị Hằng đã đầu tư xây dựng được một nhà kính rộng 550 m2 để trồng dâu tây. Theo chị Hằng, nếu vào vụ chính, mỗi ngày, vườn dâu tây này có thể cho thu hoạch trên 10 kg. Giá bán dâu tây loại 1 là 300.000 đồng/kg, loại 2 là 250.000 đồng/kg. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên sản phẩm đảm bảo sạch và thơm ngon, thu hoạch không đủ cung cấp cho bạn hàng và người quen.

“Cái khó nhất khi trồng dâu tây theo phương pháp bán thủy canh là phải điều chỉnh lượng dinh dưỡng hợp lý, nếu không sản lượng không cao, dâu cũng không ngon”-chị Hằng chia sẻ. Chị cũng đang đặt mua giống dâu tây New Zealand về trồng. Đồng thời, chị thử trồng dâu trong chậu để trên giàn cao vì qua tìm hiểu thấy cách làm này khá hiệu quả. Theo chị Hằng, trồng dâu theo cách này giúp tiết kiệm được diện tích đất, tăng số lượng cây trên cùng diện tích và cách ly mầm bệnh từ đất. Bên cạnh đó, còn giảm được chi phí đầu tư chất dinh dưỡng, không phải phun thuốc trừ sâu do cây hầu như không bị sâu bệnh. Ngoài ra, cách trồng này còn giúp tạo ra trái dâu sạch, chất lượng cao và thuận tiện trong thu hoạch.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm